Mới đây, Công ty Phát triển điện lực J-Power đề xuất lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đầu tư dự án nhà máy điện khí tua bin chu trình hỗn hợp, công suất 3.000 MW với tổng mức đầu tư của dự án gần 3,2 tỷ USD. Dự án dự kiến được xây dựng tại khu công nghiệp Ninh Thuỷ, tổng diện tích khoảng 40 ha.
J-Power là cái tên mới nhất trong danh sách những nhà đầu tư ngỏ ý muốn làm điện khí tại Nam Vân Phong. Tại khu công nghiệp này, Tổ hợp Công ty cổ phần tập đoàn HBRE, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2, Công ty cổ phần Hoàn cầu Vân Phong, Công ty trách nhiệm hữu hạn PHOUSY Group cũng từng đề xuất đầu tư Nhà máy điện khí LNG Ninh Thủy công suất 1.500 MW, kết hợp với hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông hải sản.
Trước đó, hồi tháng 8, Tập đoàn Millennium (Mỹ) cũng bày tỏ mong muốn làm nhà máy điện khí công suất 9.600 MW và trung tâm LNG sức chứa 15 triệu m3 trên diện tích khoảng 600 ha tại tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong. Dự án này có tổng mức đầu tư 15 tỷ USD.
Ngoài Millennium, tại địa điểm này còn có 3 dự án khác của doanh nghiệp trong và ngoài nước gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đề xuất nhà máy điện khí có công suất 6.000MW, diện tích khoảng 150 ha; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất kho khí công suất 3 triệu tấn LNG mỗi năm, diện tích 50 ha trên đảo Mỹ Giang; Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ) cũng ngỏ ý xây dựng nhà máy điện khí công suất 6.000MW và kho cảng tiếp nhận và xử lý LNG công suất 6 triệu tấn mỗi năm với tổng diện tích 300 ha.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hoà đã dành 1.053 ha đất tại 4 khu vực Nam Vân Phong để triển khai các dự án, kho khí và nhà máy điện khí hoá lỏng LNG. 4 địa điểm mà UBND tỉnh lựa chọn để quy hoạch cho điện khí đều đã có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.
Địa điểm thứ nhất tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, vốn được quy hoạch cho Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vân Phong 2, diện tích khoảng 100 ha, trong đó diện tích lấn biển khoảng 50 ha, do nhà nước quản lý. Đây là khu vực đã giải phóng mặt bằng, Tập đoàn Sumitomo đang thuê sử dụng tạm đến tháng 3/2024 để phục vụ xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Do đó, khu vực này chỉ có thể triển khai dự án mới sau tháng 3/2024.
Địa điểm thứ hai có diện tích 41,6 ha tại khu công nghiệp Ninh Thủy, phường Ninh Thủy. Khu vực này đất sạch, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trong đó đất lấn biển ngoài ranh giới khu công nghiệp là 9,35 ha, còn lại là đất ở ranh giới và trong khu công nghiệp.
Địa điểm thứ ba có diện tích 311 ha nằm tại khu quy hoạch Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong ở thôn Ninh Yển và thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước. Trong đó, diện tích đất liền khoảng 151,92 ha, 70,27 ha nằm trên đảo Mỹ Giang và còn lại diện tích đất có mặt nước. Phần lớn đất đai khu vực này chưa được giải phóng mặt bằng, gồm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Có khoảng 1.030 trường hợp sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện giải phóng mặt bằng.
Địa điểm cuối cùng tại khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp Ninh Tịnh, thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, phần diện tích dự kiến thu hút dự án Nhà máy điện khí LNG và kho chứa khí khoảng 100 ha.
Phía Khánh Hoà cho biết, thời gian tới sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư ở các nước phát triển, có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nhà máy điện trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phải đảm bảo có nguồn cung về khí cho việc vận hành nhà máy điện khí và có khả năng tham gia đầu tư hệ thống truyền tải.
Đức Minh