Bức tranh toàn cảnh về thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 đang có những thay đổi mạnh mẽ được thể hiện rõ nét ở danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất thời gian qua.
THẾ LỰC MỚI VINFAST
Thương hiệu xe thuần Việt không chỉ là niềm hy vọng của ngành công nghiệp ô tô trong nước mà trên thực tế cũng đã bước đầu khẳng định được vị thế của mình.
Tháng 9/2020, VinFast bất ngờ đóng góp 2 mẫu xe vào danh sách 10 ô tô bán chạy nhất thị trường gồm Lux SA2.0 và Fadil. Nếu như sự xuất hiện của mẫu SUV 7 chỗ ngồi Lux SA2.0 chủ yếu nhờ đợt khuyến mại mạnh mẽ cho phiên bản sản xuất năm 2019 thì mẫu xe cỡ A Fadil lại "kể" một câu chuyện khác.
Tháng 10/2020, VinFast Fadil "đánh chiếm" vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng 10 xe ô tô bán chạy nhất, chỉ chịu thua kém bộ đôi xe sedan cỡ B là Toyota Vios (3.443 chiếc) và Hyundai Accent (2.230 chiếc). Mức sản lượng bán hàng 1.851 chiếc giúp Fadil vượt qua đối thủ mạnh nhất trong phân khúc là Hyundai Grand i10.
Đáng chú ý là mẫu xe nội có dải khách hàng hẹp hơn khi chủ yếu nhắm vào những người tiêu dùng cá nhân. Trong khi đó, đối thủ đến từ Hàn Quốc lại nắm lợi thế ở nhóm khách hàng sử dụng xe vào dịch vụ vận chuyển.
Tròn 2 năm gia nhập, VinFast đang trở thành một "thế lực" mới ở thị trường ô tô Việt Nam.
Fadil là một đại diện cho thành công của thương hiệu ô tô VinFast. Hiện tại, hãng xe thuộc tập đoàn VinGroup mới chỉ cung cấp ra thị trường 3 mẫu xe ô tô, gồm Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Thế nhưng, số lượng 3 mẫu xe ít ỏi này cũng đã giúp VinFast đạt tổng sản lượng bán hàng 2.866 chiếc trong tháng 10/2020, trở thành 1 trong 6 thương hiệu ô tô được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Trong khi đó, các thương hiệu có sản lượng bán hàng tốt hơn như Hyundai Toyota, Kia, Mazda hay Mitsubishi đều đang sở hữu danh mục sản phẩm dày đặc và trải rộng ở hầu hết các phân khúc.
VinFast mới chỉ chính thức gia nhập thị trường ô tô Việt Nam từ cuối năm 2018. Thời gian đầu ra mắt, các mẫu xe VinFast được nhiều người tiêu dùng trong nước đặt mua. Khi ấy, các chuyên gia nhận định những "ưu ái" của người tiêu dùng xem như một khoản "tạm ứng" niềm tin cho thương hiệu ô tô Việt.
Sau tròn 2 năm trình làng, VinFast xem như đã bước đầu khẳng định được vị thế của mình và trên đường trở thành một thế lực mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Niềm tin được "tạm ứng" của những khách hàng đầu tiên đã chuyển thành khoản "đặt cọc" cho thiết kế và chất lượng sử dụng của các mẫu xe ô tô VinFast.
XE GIA ĐÌNH GIÁ THẤP LÊN NGÔI
Với những cá nhân hoặc gia đình nhỏ mua xe lần đầu, xe cỡ A thường là phân khúc được lựa chọn ưu tiên. Nhưng với những gia đình thường xuyên có nhu cầu di chuyển nhiều người trong khi khả năng tài chính vẫn còn hạn hẹp thì các mẫu xe có cấu hình 5+2 chỗ ngồi giá thấp sẽ là mục tiêu được hướng tới.
Trên thực tế, những mẫu xe 7 chỗ ngồi thường có giá bán lẻ khá cao. Các mẫu SUV 7 chỗ thường có mức giá bán vượt ngưỡng 1 tỷ đồng. Ngay cả những mẫu SUV nhỏ hơn với cấu hình 5+2 chỗ ngồi như Nissan X-Trail hay Honda CR-V thì giá bán lẻ cũng quanh mức 900 triệu đồng, thậm chí có phiên bản chạm ngưỡng 1 tỷ đồng cũng là quá sức chịu đựng của nhiều người tiêu dùng.
Khi Toyota nâng cấp mẫu xe MPV Innova lên phân khúc nhỉnh hơn trước kèm theo giá bán lẻ cũng chênh đáng kể thì nhóm người tiêu dùng xe gia đình càng khó khăn trong việc lựa chọn. Ngay cả nhóm khách hàng dịch vụ vận tải taxi và lữ hành cũng dần rời xa Toyota Innova.
Và rồi, Mitsubishi Xpander xuất hiện.
Mẫu xe MPV 5+2 chỗ ngồi Mitsubishi Xpander đang ngày càng được ưa chuộng.
Ngày 8/8/2018, Mitsubishi nhập khẩu mẫu xe Xpander về Việt Nam. Ban đầu, liên doanh ô tô Nhật Bản không kỳ vọng quá nhiều vào mẫu xe MPV lỡ cỡ này. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng ra mắt, lượng khách đặt mua xe tăng vọt khiến cho Mitsubishi Việt Nam liên tiếp rơi vào tình trạng "nợ nần" đơn hàng.
Đến giữa năm 2020, Mitsubishi Việt Nam quyết định đem Xpander về lắp ráp trong nước nhằm chủ động hơn về vấn đề nguồn cung. Cũng bắt đầu từ tháng 8/2020, khi Xpander lắp ráp trong nước bán ra thị trường, mẫu xe này đã nghiễm nhiên chiếm một suất trong danh sách 10 ô tô bán chạy nhất thị trường.
Tháng 10/2020, theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe Mitsubishi Xpander bán ra thị trường đạt đến 1.683 chiếc, đứng vị trí xe đắt khách thứ 5 trên thị trường, chỉ xếp sau các "đàn em" như Toyota Vios, Hyundai Accent, VinFast Fadil và Hyundai Grand i10.
Xpander được xem như một đại diện cho xu hướng tiêu dùng ô tô mới tại Việt Nam. Với một thị trường còn non trẻ, nhu cầu về những mẫu xe đa dụng có thể chở được 7 người và đặc biệt là giá bán chỉ quanh mức 600 triệu đồng được dự báo sẽ có tăng trưởng hơn nữa.
Xe có thiết kế khoẻ khoắn, khả năng vận hành tốt, trang bị công nghệ không quá nghèo nàn trong khi lại rất… đa dụng.
Chính bởi vậy, Xpander không chỉ được ưa chuộng bởi những gia đình trẻ mà còn đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhóm khách hàng taxi công nghệ.
Những thành công của Mitsubishi Xpander cũng mở đường cho sự xuất hiện của mẫu xe "đồng hương" Suzuki XL7 và trước đó là Suzuki Ertiga. Dù sản lượng bán hàng còn thua xa Xpander song trong tháng 10/2020 vừa qua, cũng đã có 799 chiếc Suzuki XL7 được bán ra thị trường. Con số này là nhỏ khi xếp cạnh 10 mẫu xe đắt khách nhất nhưng lại là kỷ lục bán hàng của Suzuki ở mảng xe ô tô sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam.
TRANG BỊ AN TOÀN TRỞ THÀNH "TIÊU CHUẨN"
Toyota Corolla Cross là một trường hợp khá đặc biệt trong nhóm 10 xe ô tô bán chạy nhất thị trường tháng 10/2020.
Mẫu SUV cỡ nhỏ của Toyota có thiết kế hiện đại, khoẻ khoắn và trẻ trung, khác hẳn với phong cách trung tính và có phần già nua của hầu hết các mẫu xe trước đây của thương hiệu ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên, yếu tố thiết kế hiện đại hoàn toàn có thể tìm thấy rõ nét ở đa số các mẫu xe mới ra mắt thị trường.
Điểm khác biệt ở Corolla Cross chính là các trang bị an toàn. Trong đó, gói công nghệ Toyota Safety Sense (TSS) được ví như "búa thần" của Corolla Cross để gia nhập cuộc chơi xe thế hệ mới. Gói an toàn TSS trang bị trên xe Corolla Cross bao gồm các công nghệ như hệ thống đèn pha tự động tự điều chỉnh (AHB), hệ thống phanh tự động tránh trước va chạm (PCS), hệ thống cảnh báo chệch làn đường (LDA) và hệ thống hỗ trợ giữ làn (LTA), chức năng ga tự động thông minh thích ứng (DRCC).
Hiện tại, không có nhiều mẫu xe trên thị trường được trang bị gói công nghệ an toàn tương tự TSS. Đếm trên đầu ngón tay cũng chỉ là Subaru Forester với gói EyeSight, Honda CR-V với Honda Sensing và Toyota Fortuner với TSS. Nhưng đó đều là những mẫu xe cao cấp hơn Corolla Cross và giá bán lẻ đều ở ngưỡng 1 tỷ đồng.
Toyota Corolla Cross là một minh chứng rõ nét về nhu cầu sở hữu những trang bị an toàn hiện đại của người tiêu dùng trên các mẫu xe ô tô.
Corolla Cross nằm ở phân khúc compact SUV cùng các mẫu xe Ford EcoSport, Kia Seltos, Hyundai Kona. Tuy nhiên, giá bán lẻ của Corolla Cross lại cao hơn rất nhiều. Thậm chí, với số tiền 720 triệu đồng cho phiên bản thấp nhất Corolla Cross 1.8G, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua được phiên bản cao nhất của các mẫu xe đối thủ.
Rõ ràng, nhờ phong cách thiết kế mới và đặc biệt là hệ thống các trang bị an toàn, Corolla Cross vẫn nhảy vào nhóm 10 xe bán chạy nhất. Corolla Cross cũng chứng minh tiêu chuẩn an toàn đang trở thành yêu cầu tối thiểu của người tiêu dùng đối với các loại xe ô tô hiện đại.
Điều này cũng thể hiện rõ ở việc các hãng xe đang dần đưa về thị trường Việt Nam những mẫu xe có tiêu chuẩn an toàn cao. Ngay với hãng xe bảo thủ như Toyota, một số mẫu xe hoặc phiên bản mới như Innova, Hilux và Fortuner cũng đã được trang bị gói công nghệ an toàn TSS.
Đức Thọ
VnEconomy
Xem thêm: nhc.16894224132110202-yahc-nab-ex-01-ut-nihn-man-teiv-ot-o-gnourt-iht-neid-cuc/nv.zibefac