Sáng 23-11, Thành ủy - HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2020).
Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phụ trách theo dõi Đảng bộ TP.HCM... cùng nhiều lãnh đạo khác.
Dự lễ kỷ niệm còn có các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, cán bộ tiền khởi nghĩa, nhân sĩ, tri thức, chức sắc tôn giáo và đại diện các tầng lớp nhân dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của ngày Nam kỳ khởi nghĩa. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ôn lại truyền thống hào hùng của ngày Nam kỳ khởi nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói: Cách đây tròn 80 năm, khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt ở hầu hết các tỉnh Nam kỳ, với tinh thần và khí thế quyết liệt, giành được chính quyền ở nhiều nơi. Lần đầu tiên lá cờ đỏ xuất hiện ở nhiều cuộc biểu tình và ở những nơi chính quyền được thành lập.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công nhưng đã báo hiệu bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, của nhân dân ta vùng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại nhiều kinh nghiệm, góp phần cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Từ khởi nghĩa Nam kỳ đã rút ra năm bài học quý báu là: Bài học về cụ thể hoá đường lối lãnh đạo của Đảng phù hợp thực tiễn địa phương, phải đặt địa phương trong tương quan cả nước, luôn có sự cổ vũ của các địa phương, chọn thời cơ khởi nghĩa; Bài học về các điều kiện cần và đủ để khởi nghĩa, xây dựng và kiểm tra kế hoạch; Bài học về xây dựng đội quân chủ lực, đánh giá đúng vai trò của từng lực lượng; Bài học về việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, khơi dậy sự đồng tâm; Bài học về sự khoa học giữa tiến công và thủ, dự trù các phương án, có kế hoạch rút lui, bảo toàn lực lượng.
Sau năm 1975, ông Nguyễn Văn Nên cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã phấn đấu xây dựng và phát triển xứng đáng với Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố anh hùng.
Trong 45 năm qua, TP đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là trung tâm kinh tế - văn hoá – xã hội, trung tâm tài chính, đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên cho biết TP sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đã đề ra, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo. TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù, đẩy mạnh công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
TP.HCM cũng sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt ba chương trình đột phá, gồm: Đột phá đổi mới quản lý phát triển TP; đột phá phát triển hạ tầng; đột phá nguồn nhân lực và văn hoá. Đồng thời, thực hiện chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và sản phẩm chủ lực.
TP cũng sẽ xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn hoá Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống, tích cách con người TP luôn năng động sáng tạo. Ngoài ra, TP sẽ tập trung tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND TP khoá 2021–2026.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại lễ kỷ niệm. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Để làm được những điều đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP phát huy tinh thần của Nam kỳ khởi nghĩa để phát triển TP xứng đáng là đầu tàu cả nước, xứng đáng là TP mang tên Bác.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại Di tích Ngã Ba Giồng - Địa điểm Dinh Quận, huyện Hóc Môn, đoàn lãnh đạo Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng đoàn, đã dâng hương dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, chiến sĩ cách mạng, các lãnh đạo Xứ ủy Nam kỳ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940.
Đoàn đã dành 1 phút mặc niệm, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các đồng bào, những chiến sĩ cộng sản đã hoạt động cách mạng, tranh đấu cho nền độc lập, tự do của dân tộc và anh dũng hy sinh trên quê hương Hóc Môn - 18 thôn vườn trầu.