Lấy mẫu chất cấm trên heo ở TP.HCM - Ảnh: HOÀNG LỘC
Cảnh báo này vừa được PGS.TS Ngô Thị Hoa, Trưởng nhóm nghiên cứu bệnh lây nhiễm giữa động vật và người (thuộc đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Anh), báo cáo trong chương trình hành động phòng, chống kháng thuốc vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Theo bà Hoa, kết quả nghiên cứu khảo sát cắt ngang từ năm 2013-2016 của OUCRU cho thấy việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi có liên quan đến sự lưu hành một loài vi khuẩn Gram âm (chủng E.coli), kháng kháng sinh ciprofloxacin và đa kháng thuốc trong các hộ và trại nuôi gà.
Khảo sát vi sinh cho thấy mẫu phân gà của khoảng 40% trại gà mang vi sinh kháng colistin (là loại kháng sinh cuối cùng cho nhiễm trùng Gram âm đa kháng dùng cho người hiện nay).
Mặc dù colistin không được sử dụng cho người ngoài cộng đồng, nhưng lại có sự hiện diện của vi sinh Gram âm kháng colistin trong 25% nông dân, 17% người dân không chăn nuôi sống ở vùng có chăn nuôi và 9% trên người không chăn nuôi sống ở thành thị.
Ngoài ra, khi khảo sát trong nhóm nông dân có trại gà dương tính với vi sinh kháng colistin, có đến 33% người mang vi sinh kháng colistin.
Kết quả này cho thấy việc sử dụng kháng sinh colistin trong chăn nuôi rất có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hiện diện vi trùng mang gen mcr-1 (một loại kháng sinh đặc biệt), kháng colistin trong phân gà và người.
Theo bà Hoa, từ nghiên cứu này, có thể giúp khuyến cáo người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc dùng kháng sinh không có toa trong chăn nuôi, đồng thời cần tuân thủ các qui định hiện hành trong việc dùng kháng sinh góp phần làm giảm đi tác động kháng thuốc trên vi sinh trong chuỗi cung cấp thực phẩm hiện nay.
Năm 2030 lượng kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp sẽ tăng 157%
Theo bà Hoa, hiện nay việc sử dụng kháng sinh liều thấp, dưới ngưỡng điều trị trong thức ăn chăn nuôi cho mục tiêu tăng trọng, phi điều trị đã được khuyến cáo phải dừng vì tác động đến việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh vật đã được xác định.
Lợi ích kinh tế của việc dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng trong chăn nuôi không thỏa đáng so với tác hại chắc chắn mang đến cho ngành y tế. Trong những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã có lộ trình cho việc dừng và cấm sử dụng kháng sinh liều thấp trong thức ăn vì mục tiêu tăng trưởng.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu chúng ta không thay đổi cách dùng kháng sinh trong chăn nuôi và cùng với sự phát triển chăn nuôi thì đến năm 2030, dự đoán lượng kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng 157% so với hiện nay.
TTO - Sáng 1-11, TAND quận Thủ Đức đã xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng (36 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) về tội "vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" do ngâm củ cải bằng hóa chất cấm. Đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TP.HCM truy tố, xét xử hành vi này.