Trải qua 21 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, từng bước tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu.
Chính sách bảo hiểm tiền gửi - đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
BHTG là chính sách công của Chính phủ được xây dựng nhằm để bảo vệ người gửi tiền - đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Chính sách BHTG góp phần ổn định hệ thống các TCTD, nâng cao niềm tin công chúng, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ rút tiền gửi đồng loạt, tạo cơ chế để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính.
BHTGVN được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động từ ngày 07/7/2000. Đây là tổ chức duy nhất được giao làm đầu mối triển khai chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Những năm qua, chính sách BHTG đã chứng minh vai trò là công cụ hết sức quan trọng để tạo niềm tin cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Có BHTG, người dân yên tâm khi gửi tiền vào các TCTD, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình huy động vốn, thay đổi hành vi người gửi tiền, giúp người gửi tiền nâng cao nhận thức, bình tĩnh hơn trước những thông tin sai lệch, bất lợi và góp phần ổn định hệ thống ngân hàng.
Hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5,7 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG; thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ BHTG như: thu phí, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền được tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, mở rộng kênh truyền thông đến các vùng sâu, vùng xa, tạo sự an tâm, tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các TCTD tại Việt Nam.
Nâng cao vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới
Trong giai đoạn phát triển mới, để chính sách BHTG xứng dáng là công cụ hữu hiệu thực hiện thành công nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng, BHTGVN quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ:
Một là, tổng kết Luật BHTG, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHTG phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực của BHTGVN để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Hai là, phát triển BHTGVN theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng, NHNN là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Để đạt được mục tiêu này, BHTGVN phải tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ người lao động, áp dụng công nghệ hiện đại, nhất là về quản lý, quản trị, điều hành để ngày càng phát triển bền vững.
Ba là, tham gia tái cơ cấu TCTD theo chỉ đạo của NHNN, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là các QTDND có vấn đề; nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn. Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông nhằm phổ biến chính sách BHTG đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
Bốn là, tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức BHTG quốc tế, hướng tới các chuẩn mực quốc tế về hoạt động BHTG.