Nhiều tổ chức dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021
T.H
(TBKTSG Online) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 thêm 0,8 điểm phần trăm so với một tháng trước, lên mức 2,4% và nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Trước đó vài ngày, công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics dự đoán nền kinh tế Việt Nam cùng với các nền kinh tế Trung Quốc và Hồng Kông sẽ tăng tốc nhanh nhất (trên 7%) trong năm 2021.
Với mức tăng trưởng dự báo 2,4% này, IMF đã xếp Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế trên thế giới năm nay có sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người. Khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam cũng được nhiều tổ chức kinh tế quốc tế nhận định ngày càng rõ rệt.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng ổn định trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu chính là một trong những yếu tố cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó là các yếu tố tích cực như sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5%, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa lên mức cao kỷ lục...
Theo dự báo, kinh tế Việt Nam tốt hơn sau từng quí và đặc biệt là triển vọng của năm sau được coi là rất tích cực, khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước dự báo sẽ sớm bình thường trở lại.
Siêu tàu container Margrethe Maersk đã cập thành công vào cảng Quốc tế Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tháng 10 vừa qua, đánh dấu năng lực bốc dỡ và vận chuyển hàng tải cảng biển của Việt Nam. Ảnh TTXVN |
Ngày 19-11, công ty xếp hạng Moody's Analytics cũng đưa ra báo cáo dự đoán nền kinh tế Việt Nam cùng với các nền kinh tế Trung Quốc và Hong Kong sẽ tăng tốc nhanh nhất (trên 7%) trong năm 2021.
Ông Steve Cochraine, chuyên gia kinh tế và trưởng bộ phận phân tích của Moody's về khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà phát triển với sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu. Sự phục hồi kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa do mỗi quốc gia ban hành. Đối tượng mà chính sách hướng tới là các hộ gia đình và công ty để có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Moody's dự báo sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế trong khu vực sẽ không toàn diện cho đến khi lĩnh vực du lịch và lữ hành quốc tế phục hồi hoàn toàn.
Trong dự báo này, nhịp độ kinh tế của Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ được ước tính sẽ đạt đỉnh trở lại vào nửa cuối năm 2022. Philippines và Ấn Độ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động kinh tế và đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Nhật Bản và tình trạng suy thoái diễn ra từ quí 4-2019 sẽ trì hoãn mở rộng nền kinh tế của Nhật Bản.
Trong khi đó, chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, vẫn còn nhiều rủi ro như khả năng bùng phát Covid-19 trở lại, quá trình phục hồi toàn cầu chậm chạp, căng thẳng thương mại đang diễn ra và khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Vì vậy, Việt Nam nên ưu tiên cho việc giảm gánh nặng đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cải thiện tiếp cận đất đai và nguồn lực tài chính, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(Nguồn: Tổng hợp)