Nhân viên phòng thí nghiệm vắcxin COVID-19 ở Oxford, Anh - Ảnh: PA
Theo dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và Brazil, vắcxin của AstraZeneca - do Đại học Oxford, Anh phát triển có thể đạt hiệu quả lên tới 90%.
Vắcxin vừa công bố của ĐH Oxford và AstraZeneca có hiệu quả trong việc phòng bệnh ở các nhóm tuổi khác nhau, bao gồm cả người cao tuổi.
Thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy hiệu quả trung bình của vắcxin là 70%, nhưng đây là kết quả của hai chế độ dùng vắcxin khác nhau, một chế độ đạt 90% và còn lại đạt 62%.
Chế độ có hiệu quả 90% bao gồm dùng trước nửa liều và sau đó dùng một liều đầy đủ, cách nhau ít nhất một tháng, theo hãng tin Reuters. Hiệu quả giảm xuống còn 62% khi tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng.
Không có phản ứng xấu nghiêm trọng nào cho tới hiện tại và vắcxin dung nạp tốt trên người ở cả 2 chế độ dùng.
Mặc dù hiệu quả có phần thấp hơn so với vắcxin của Pfizer và Moderna đang phát triển ở Mỹ, nhưng Peter Horby, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Oxford, nói vắcxin của họ có lợi thế hơn ở chỗ chúng "có thể được bảo quản trong tủ lạnh, thay vì tủ đông như hai loại vắcxin kia".
Vắcxin của Pfizer - BioNTech cần được bảo quản lạnh ở -70 độ C, đồng nghĩa với việc vắcxin của ĐH Oxford và AstraZeneca là giải pháp thiết thực hơn để sử dụng trên toàn cầu.
Vắcxin của AstraZeneca sử dụng một phiên bản sửa đổi của virus cảm lạnh thông thường ở loài tinh tinh để chỉ thị cho các tế bào chống lại virus mục tiêu. Cơ chế này khác với công nghệ RNA thông tin (mRNA) do Pfizer - BioNTech và Moderna triển khai trên vắcxin của họ.
TTO - Đợt vắcxin phòng bệnh COVID-19 đầu tiên được tiêm cho người Mỹ có thể bắt đầu vào khoảng ngày 11-12. Công tác hậu cần đã sẵn sàng để có thể triển khai phân phối và tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau khi vắcxin được cơ quan chức năng cấp phép.
Xem thêm: mth.52140807132110202-09-iot-auq-ueih-eht-oc-91-divoc-nixcav-ob-gnoc-acenezartsa/nv.ertiout