Từ một nước xuất khẩu điều thô với số lượng thấp, trong 15 năm liền kể từ 2006, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến.
Hôm nay (23/11), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã tổ chức Toạ đàm nhân dịp tổng kết 30 năm thành lập. Tại đây, báo cáo của Hiệp hội VINACAS cho biết, tháng 10/2020, xuất khẩu điều đạt 47,167 ngàn tấn, trị giá 274,086 triệu USD, so với tháng 10/2019 tăng 4,86% về lượng, giảm 10,42% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân tháng 10 là 5.811 USD/tấn, giảm 14,57% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất khẩu hạt điều tăng 12,3% về lượng, nhưng giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 422,671 nghìn tấn, trị giá 2,632 tỷ USD. So với cùng kỳ tăng 11,94% về lượng, giảm 2,96% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.288 USD/tấn, giảm 13,88% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện các sản phẩm điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới. Trong đó, có 3 thị trường chính là Mỹ chiếm 30%, Trung Quốc chiếm 11%, Eu và các nước khác chiếm 59% thị phần.
10 tháng đầu năm xuất khẩu điều vào thị trường Mỹ đạt 124,826 ngàn tấn, 794,546 triệu USD, tăng 10, 47% về lượng và giảm 1,63% về giá trị. Cũng trong thời gian này, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 46,409 ngàn tấn, với 269,717 triệu USD, giảm 10,27% về lượng và giảm 28,41% về trị giá. Tại thị trường EU và các nước đạt 251,437 ngàn tấn, trị giá 1,568 tỷ USD, tăng 18,11% về lượng và tăng 2,6% về kim ngạch.
Tháng 10/2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang hầu hết các thị trường chính đều tăng so với tháng 9/2020, giảm duy nhất tới thị trường Ấn Độ. So với tháng 10/2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang tất cả các thị trường chính giảm.Trong 10 tháng năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, giá xuất khẩu bình quân sang thị trường Ấn Độ tăng 1,6%, lên mức 5.793 USD/tấn.
Tháng 10/2020, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Thái Lan và Ý giảm so với tháng 10/2019; ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường chính khác tăng. Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Canada, Ý tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hà Lan và Đức tăng.
Giá xuất khẩu điều nhân 10 tháng đầu năm 2020 giảm 13,88% so với cùng kỳ năm 2019. Do vậy, tại tọa đàm hầu hết các doanh nghiệp điều rất quan tâm đến các vấn đề như giá nhập khẩu điều thô và giá nhân điều năm 2020.
Xuất khẩu điều năm 2021 sẽ tốt hơn
Tân Long hiện là nhà nhập khẩu điều thô lớn nhất nước. Tân Long đang có tham vọng thâm nhập sâu vào thị trường điều thô Việt Nam cũng như thế giới, và mong muốn trở thành nhà cung cấp điều thô lớn tại Việt Nam.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tân Long Group cho biết, thời gian và khối lượng nhập khẩu điều thô của công ty tùy thuộc vào tình hình cũng như nhu cầu của thị trường. Tân Long vẫn mua vào khi thị trường giảm và cũng mua vào khi thị trường tăng, vì trong hoạt động kinh doanh mua vào hay bán ra tùy vào cách tính của từng doanh nghiệp. Hiện nay, thị trường điều thô của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy nếu Việt Nam làm chủ được nguồn cung nguyên liệu sẽ giúp cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ông Bá cho rằng: "Nếu doanh nghiệp quyết định bán điều nhân tương lai xa mà chưa có nguồn nguyên liệu trong tay là mua rủi ro cho bản thân, là cách làm rất nguy hiểm, trong khi đa phần doanh nghiệp điều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Do vậy, bán và giao hàng trong vòng 60 ngày sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp".
Song, theo các doanh nghiệp điều, việc ký hợp đồng bán và giao hàng trong 60 ngày là rất khó vì còn tuy thuộc còn năng lực sản xuất nhà máy của từng doanh nghiệp, nhưng phân doanh nghiệp điều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả doanh nghiệp lớn năng lực sản xuất cũng khó đảm bảo.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, trong hoạt động sản xuất kinh doanh giá ký hợp đồng bán nhân điều là do tính toán của từng doanh nghiệp nếu họ thấy có lợi thì bán chốt lời.
Còn theo ông Trần Hiệp, Phó Chủ tịch VINACAS, đối với vấn đề "bán xa hay bán gần", phần lớn những doanh nghiệp có sản lượng điều thô lớn sẽ phải bán xa, nếu không đồng ý bán xa thì người mua sẽ không mua. Thông thương doanh nghiệp bán xa ít nhất 3 tháng, 6 tháng thậm chí 12 tháng hay 15 tháng. Trong nhưng năm gần đây, đặc biệt là 2 năm gần đây thị trường điều nhiều biến động, nhu cầu thị trường yếu, giá không tốt nên ít có khách hàng muốn mua xa.
"Khi giá có xu hướng yếu đi thì người mua không muốn mua xa, nếu năm nay bán xa được thì người bán có lợi hơn vì giá điều thô thường trong xu hướng giảm", ông Hiệp nói.
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu điều đều có chung nhận định năm 2020 tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kết quả xuất khẩu rất khả quan. Mọi người đều có chung nhận định tình hình thị trường điều năm 2021 sẽ tốt hơn nhiều so với 2020, vì nhờ vào thông tin sắp có vaccine nên tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ ổn định hơn giúp thúc đẩy nhu cầu thị trường nhân điều tăng mạnh. Sản lượng xuất khẩu sẽ tăng và giá bán cũng kỳ vọng sẽ tốt hơn năm 2020.
Nguyễn Huyền
Nhịp sống doanh nghiệp