Trong số này, 7 phiếu đại cử tri vẫn được công nhận, khiến ông Donald Trump bị mất 2 phiếu đại cử tri và bà Hillary Clinton mất 5 phiếu. Cụ thể, trong số 306 đại cử tri cam kết bỏ phiếu cho ông Donald Trump, 2 người rốt cuộc bỏ phiếu cho người khác. Với bà Hillary Clinton, 232 đại cử tri ban đầu cam kết bỏ phiếu cho bà nhưng cuối cùng có 5 người đổi ý.
Thông thường, mỗi đảng sẽ đề cử danh sách ứng viên đại cử tri và họ sẽ trở thành đại cử tri của bang nếu ứng viên đảng mình thắng phiếu phổ thông tại đó. Tuy nhiên, không phải đại cử tri nào cũng làm theo ý đảng mình. Theo thống kê của trang Fairvote.org, lịch sử Mỹ ghi nhận 85 lần đại cử tri "lật kèo", trong đó 3 người bỏ phiếu trắng và 82 người đổi ý.
Dù những thay đổi trên không làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử, nhiều người đang nghĩ đến kịch bản Tổng thống Trump có thể đảo ngược kết quả nếu có nhiều đại cử tri hơn "lật kèo" lần này. Truyền thông Mỹ dự đoán ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, chiến thắng trong cuộc bầu cử qua với 306 phiếu đại cử tri, so với 232 phiếu của ông Trump, người đảng Cộng hòa.
Một người ủng hộ ông Joe Biden giơ điện thoại hiển thị bản đồ đại cử tri đoàn ở TP Philadelphia hôm 7-11. Ảnh: AP
Theo đài CNN, 33 bang và quận Columbia hiện có luật yêu cầu đại cử tri bỏ phiếu cho ứng viên thắng phiếu phổ thông tại những nơi này. Dù vậy, chỉ 14 bang trong số này (chiếm 121 phiếu đại cử tri) có luật quy định hủy lá phiếu của một đại cử tri "bất trung" và thay thế người này bằng một đại cử tri mới. Điều này đồng nghĩa vẫn còn 417 đại cử tri có thể bỏ phiếu trái với cam kết ban đầu mà không có cơ chế nào để hủy lá phiếu của họ.
Đảng Dân chủ đang lo ngại một số kịch bản liên quan đến chuyện đại cử tri đoàn có thể đảo ngược kết quả cuộc bầu cử (dù hiện vẫn chưa có kết quả chính thức). Kịch bản được nói đến nhiều chính là lá phiếu của những đại cử tri "bất trung".
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng khó có chuyện Tổng thống Trump hưởng lợi từ sự đổi ý của đại cử tri.
Các vụ kiện tụng liên quan đến chuyện 10 đại cử tri "lật kèo" trong cuộc bầu cử năm 2016 dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao hồi tháng 7 qua, theo đó củng cố quyền của các bang trong việc thay thế những đại cử tri nào không bỏ phiếu cho ứng viên họ cam kết ủng hộ. Phán quyết này mạnh mẽ đến nỗi dường như cho phép ngay cả những bang chưa có luật về việc loại bỏ đại cử tri "bất trung" vẫn có thể làm thế.
Nếu dự đoán nói trên của truyền thông Mỹ về kết quả cuộc bầu cử 2020 là chính xác, ít nhất 38 đại cử tri sẽ phải "lật kèo" để ông Trump có được 270 phiếu đại cử tri cần thiết nếu muốn lật ngược tình thế. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó.
Chưa hết, ngay cả khi kịch bản này xảy ra, rào cản lớn tiếp theo là quốc hội sẽ phải thông qua kết quả mới đến từ sự thay đổi của phiếu đại cử tri. Theo tờ New York Post, đây được xem là điều không tưởng bởi Hạ viện vẫn do đảng Dân chủ kiểm soát sau cuộc bầu cử vừa qua.
Xem thêm: nhc.11674958042110202-oek-tal-irt-uc-iad-uen-ar-yax-ig-neyuhc-ym-uc-uab/nv.fefac