Không được sử dụng lưu huỳnh để xử lý trái cây tươi xuất đi Mỹ
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS - Animal and Plant Health Inspection Service) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa có thông báo chính thức cho Cục bảo vệ thực vật của Việt Nam về việc Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA - Food and Drug Administration) không cho phép sử dụng chất Sodium Metabisulfite (Sulfite) hay còn gọi là lưu huỳnh (SO2) để xử lý trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Nhãn xử lý bằng lưu huỳnh trước đó cũng bị Mỹ buộc tạm dừng việc xuất vào thị trường này. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Theo một nguồn tin riêng của TBKTSG Online, liên quan đến việc Mỹ chính thức có lệnh không cho phép sử dụng như nêu trên, Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II đã có ý kiến đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Mỹ tìm các giải pháp khác để thay thế, tức không được sử dụng chất lưu huỳnh để xử lý trái cây tươi xuất khẩu đi Mỹ.
Theo nguồn tin này, nếu doanh nghiệp sử dụng bất kỳ hóa chất nào xử lý cho trái cây tươi chiếu xạ (chiếu xạ là quy trình bắt buộc phải thực hiện hiện khi xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ- PV) đi thị trường Mỹ, thì phải tra cứu xem hoạt chất đó có được phép sử dụng theo quy định của FDA hay không.
Nguồn tin này cho biết, nếu doanh nghiệp xác định được hoạt chất có thể sử dụng để xử lý cho trái cây tươi theo quy định của FDA, thì phải đăng ký quy trình sử dụng cho Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II để đơn vị này trình APHIS xem xét trước khi thực hiện xử lý cho mặt hàng trái cây tươi đi Mỹ.
Trao đổi với TBKTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi thị trường Mỹ xác nhận, trước đó phía Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng chất lưu huỳnh trong xử lý trái cây tươi xuất khẩu vào quốc gia này.
Theo đó, lần gần nhất trước khi Mỹ có quyết định không cho phép sử dụng lưu huỳnh như nêu trên, phía Mỹ cũng đã có yêu cầu Việt Nam tạm dừng việc sử dụng lưu huỳnh và cung cấp quy trình sử dụng lưu huỳnh để xử lý trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam.
Sau khi xem xét, phía Mỹ đã có quyết định không cho phép sử dụng chất lưu huỳnh vào xử lý trái cây tưới để xuất khẩu vào thị trường này như nêu ở trên.
Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, việc sử dụng lưu huỳnh xử lý trái cây tươi, mà cụ thể ở đây là trái nhãn nhằm làm sạch trái, bảo quản vỏ trái không bị cứng, khô và giòn. “Bình thường vỏ trái nhãn có màu vàng đen hoặc nâu nâu, nhưng khi xử lý lưu huỳnh sẽ giúp vỏ trái có màu vàng sáng lên”, ông cho biết.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, liên quan vấn đề nêu trên, đã khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu nhãn vào thị trường này gặp khó khăn, thậm chí bị lỗ nặng đến khoảng 1 tỉ đồng mỗi container hàng vì sản phẩm không xuất đi Mỹ được. Điều này, khiến việc tiêu thụ nhãn ở trong nước cũng gặp khó khăn, giá nhãn giảm mạnh từ trên dưới 40.000 đồng/kg xuống chỉ còn trên 10.000 đồng/kg.
Xem thêm: lmth.ym-id-taux-iout-yac-iart-yl-ux-ed-hnyuh-uul-gnud-us-coud-gnohk/599013/nv.semitnogiaseht.www