Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện độc lập
Vân Ly
(TBKTSG Online) - Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như tư nhân vào các dự án điện ngày càng khó khăn và thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc theo phản ánh của các nhà đầu tư, Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư về điện.
Việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa: TTXVN |
Các chuyên gia và nhà quản lý đã cùng nhau đưa ra các góp ý, khuyến nghị để giải quyết vấn đề nêu trên tại cuộc hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) phối hợp tổ chức vào ngày 24-11.
Quan tâm đến thị trường vốn quốc tế
Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành năng lượng đối với chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. "Việt Nam xác định, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh...”
Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, cho rằng năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Theo tính toán, 10 năm tới Việt Nam cần thu hút 150 tỉ đô la Mỹ để đầu tư các dự án phát điện, bằng một nửa tổng GDP hiện nay của đất nước.
Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực. Từ 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, chính vì vậy việc tiếp cận nguồn vốn ODA ưu đãi đang dần khép lại, bời nguồn vốn này ưu tiên cho các nước có thu nhập thấp. Do đó, nguồn vốn vay nước ngoài sẽ phải đến từ các định chế tài chính quốc tế.
Theo ông Đông, thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục ngàn tỉ đô la, có thể đáp ứng nhu cầu vốn của Việt Nam. Thế nhưng, dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao, theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định và chặt chẽ; đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ. "Đặc biệt vốn cũng như các hàng hóa khác, được giao dịch theo các mức giá khác nhau. Giá của vốn chủ yếu được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư, rủi ro cao, chi phí cao và kỳ vọng lợi nhuận cao, và ngược lại”, ông Đông nói.
Viện trưởng PDI ví von và cho rằng, trước khi đi chợ, hiểu biết cách thức hoạt động của chợ là một đòi hỏi khách quan, để không bị hớ khi mua phải những món hàng đắt đỏ, để lại hệ lụy phải trả giá đắt cho mai sau. Do đó, đơn vị này muốn tổ chức hội thảo để tập huấn, nâng cao hiểu biết về thị trường vốn quốc tế, các điều kiện cứng và các điều kiện có thể thương thảo của các bên cho vay; định vị nền kinh tế Việt nam dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài; nhận diện những cơ hội để cải thiện vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường thế giới…
Từ đó, giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp rút ra những hàm ý để xây dựng khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế để tiếp sức cho nền kinh tế, nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thập niên tới.
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các định chế tài chính quốc tế và các tổ chức tư vấn uy tín trên thế giới cung cấp các thông tin cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm thực tế về thị trường vốn quốc tế và trả lời các câu hỏi các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm.
Quang cảnh hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” tại Hà Nội ngày 24-11. Ảnh: BTC |
Vốn đầu tư vào ngành điện đang gặp nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Đức Hiển cho hay đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã xác định quan điểm khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện.
“Đến tháng 8-2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống) và ngày càng có xu hướng tăng lên theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55,” ông Hiển nói.
Vẫn theo ông Hiển, để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh, ngành điện cần đầu tư với quy mô rất lớn.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỉ đô la, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỉ đô la Mỹ và cơ cấu tương ứng là 74/26. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng.
Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.
“Trong khi đó, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…” ông Hiển nói.
Có 5 dự án điện mặt trời nổi được đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện có vốn đầu tư tổng cộng trên 40.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng, việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết.
Phát triển thị trường vốn cho lĩnh vực năng lượng
Theo Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn những sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn và rủi ro thấp.
Có 5 dự án điện mặt trời nổi với tổng quy mô 2.670 MWp vừa được Bộ Công thương đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện hiện hành. Bao gồm: Dự án Điện mặt trời nổi KN Srêpốk 3 tại tỉnh Đắk Lắk, quy mô là 380 MWp; Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Gia Lai tại tỉnh Gia Lai, quy mô 500 MWp; Dự án Điện mặt trời nổi KN Ialy Kon Tum tại Kon Tum, quy mô 300 MWp; Dự án Điện mặt trời nổi KN Buôn Tua Srah tại tỉnh Đắc Nông, quy mô 390 MWp và Dự án Điện mặt trời nổi KN Trị An tại Đồng Nai, gồm 3 giai đoạn với quy mô 1.160 MWp. Trong văn bản thẩm định của Bộ Công thương cũng nhắc tới quy mô vốn đầu tư của các dự án này, với tổng cộng trên 40.000 tỉ đồng. |
Với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỉ đô la mỗi năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.
Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành vĩ mô, nhất là về chính sách tài chính - tiền tệ và đầu tư; tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia; tăng cường phối hợp giữa cơ quan Việt Nam trong cung cấp thông tin và thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Tiếp theo, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là phải phát triển thị trường vốn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Nghiên cứu thực chứng đã cho thấy, có mối quan hệ cùng chiều giữa tăng trường kinh tế và thị trường vốn. Một thị trường vốn phát triển sẽ làm cho hiệu quả và năng suất cao hơn, thúc đẩy đầu tư dài hạn và sáng tạo hơn, ổn định tài chính hơn. Từ đó, thu hút vốn quốc tế cho các lĩnh vực nói chung, trong đó lĩnh vực năng lượng sẽ thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 70% trong số 2 ngàn tỷ đô la Mỹ cần thiết mỗi năm trong đầu tư cung cấp năng lượng hoặc đến từ các tổ chức do nhà nước chỉ đạo hoặc nhận được đảm bảo toàn bộ hoặc một phần doanh thu. Đối với đầu tư phát triển nguồn điện thì đảm bảo doanh thu thường được đưa ra trong Hợp đồng mua bán điện, đây là yếu tố quan trọng về tài chính dự án đối với các dự án điện độc lập (IPP).
Vấn đề tiếp theo là cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện đã nêu tại Nghị quyết 55. Cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Với các phân tích nêu trên, ông Hiển nhấn mạnh: “Nhìn chung, khả năng được ngân hàng cho vay qua các hợp đồng mua bán điện thực sự là thách thức lớn với các nước thuộc nhóm các thị trường mới nổi do có mức độ tín nhiệm tín dụng còn thấp. Vì vậy, để khơi thông được nguồn vốn quốc tế quan trọng này, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần có những nghiên cứu, thảo luận cụ thể về cơ chế vận hành, các điều kiện và cách tiếp cận, thu hút dòng vốn này trên cơ sở về kinh nghiệm quốc tế kết hợp với thực tiễn tại Việt Nam.”
Một số nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong lĩnh vực điện thì các nỗ lực quan tâm của chính phủ trong việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp là rất cần thiết, nhất là với một số vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức tài chính và tín dụng xuất khẩu, xây dựng các thỏa thuận mua bán điện phù hợp và chú trọng cơ chế nâng cao tín dụng…
Xem thêm: lmth.pal-cod-neid-na-ud-cac-ohc-nov-ev-nahk-ohk-og-oaht/699013/nv.semitnogiaseht.www