Chớ trêu thay, chủ nhân "đầu ra", mua số gỗ lậu này chính là Tổ trưởng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Hành vi tàn phá rừng mua bán gỗ lậu, chiếm đất tại Lâm Đồng diễn ra liên tục, chà đạp lên pháp luật, gây bức xúc dư luận.
Gỗ rừng nguyên sinh lọt vào nhà... Tổ trưởng bảo vệ rừng
Từ tin báo của người dân về thông tin các cơ quan chức năng huyện Lâm Hà vừa phát hiện một vụ phá rừng quy mô lớn, Tổ trưởng bảo vệ rừng tàng trữ gỗ lậu; nhóm phóng viên các báo thường trú tại Lâm Đồng từ Đà Lạt xuống tận hiện trường ghi nhận, làm việc với các cơ quan chức năng để nắm thông tin, phản ánh về sự vụ.
Thông tin được biết, một tuần trước, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà phối hợp Công an huyện tiến hành kiểm tra rừng tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 (lâm phần do BQL rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý), phát hiện tại đây hơn 10 cây bạch tùng và cây de cổ thụ trong rừng nguyên sinh bị cưa hạ.
Ngoài những phần ngọn cây nằm la liệt, thân cây cũ và mới, thật xót xa khi nhìn thấy những gốc bạch tùng cổ thụ, 2 người lớn vòng tay ôm không xuể, nay chỉ còn trơ lại gốc. Lâm tặc ngang nhiên xẻ gỗ, lấy phần lõi cây, ván vứt lại ngổn ngang trong rừng.
Đáng nói, từ nguồn tin người dân cung cấp và qua công tác trinh sát, xác minh của lực lượng chức năng, khi Tổ công tác kiểm tra nhà Tổ trưởng Tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng là ông Nguyễn Văn Tuyến (SN 1966, trú thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ - Lâm Hà), phát hiện tại đây có 23 phách gỗ bạch tùng với khối lượng 1,555 m3 trong vườn nhà của người này. Ông này khai báo mua lại số gỗ trên.
Khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định, những kẻ phá rừng đã ngang nhiên dùng cưa máy, cưa xẻ gỗ bạch tùng ngay tại cánh rừng. Nhiều cây mới bị cưa hạ, gốc và cành, ngọn cây còn xanh tươi. Một số ít bị cưa hạ khoảng 1-2 năm trước.
Đây là rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Sau khi hạ các gốc bạch tùng cổ thụ, lâm tặc xẻ gỗ, chỉ lấy phần lõi (gỗ hộp) rồi vận chuyển ra khỏi rừng để bán. Tại TK 240 vẫn còn lại những miếng bìa gỗ dày hơn 10cm.
Từ trung tâm xã Đạ Đờn (Lâm Hà), vào được đến hiện trường phải qua những con đường mòn hẹp dựng đứng, trơn trượt. Những con đường mòn vào rừng bị lâm tặc dùng xe máy, gắn xích để vận chuyển, kéo gỗ, đi lại tan hoang.
Những kẻ phá rừng đi theo con đường mòn độc đạo đến thôn 5 và thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ (Lâm Hà) bán gỗ cho ông Nguyễn Văn Tuyến.
Quyết truy tìm thủ phạm vụ phá rừng
Ông Đồng Văn Tuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, cho biết, sự việc được phát hiện qua quá trình tuần tra rừng của lực lượng kiểm lâm. Ông Nguyễn Văn Tuyến là Tổ trưởng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở tiểu khu 249, nơi hàng loạt cây cổ thụ vừa bị triệt hạ.
Số gỗ lậu được phát hiện cất giữ trong vườn nhà ông này, bước đầu ông Tuyến khai nhận, mua số gỗ bạch tùng trên của Bùi Minh Chí (còn gọi là Chí Phương, 38 tuổi, ngụ cùng thôn). Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Công an lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ nêu trên; đồng thời lấy lời khai ông Tuyến.
Số gỗ phát hiện bị cưa hạ trái phép là 11 cây bạch tùng cổ thụ, ước thiệt hại hơn 20,4 m3 gỗ. Đối tượng vi phạm đã xẻ gỗ ngay tại rừng, lấy đi gần 17,6 m3, số gỗ còn sót lại tại hiện trường xấp xỉ 3m3.
Ông Đồng Văn Tuyên cho biết thêm: Khu vực rừng bị khai thác trái phép là đối tượng rừng tự nhiên, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Theo quy định, nếu khối lượng gỗ bị khai thác từ 10 m3 trở lên sẽ bị khởi tố hình sự…
Sáng 24-11, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Công an huyện Lâm Hà, cho biết, sau khi nhận được tin báo từ Hạt Kiểm lâm huyện, Công an và các lực lượng chức năng huyện Lâm Hà đã nhanh chóng phối hợp để điều tra làm rõ vụ việc.
Trước mắt, Công an huyện đã triệu tập ông Nguyễn Văn Tuyến là người tàng trữ số gỗ có cùng chủng loại với loại gỗ bị khai thác trái phép lên làm việc; đồng thời, cơ quan chức năng đã khoanh vùng nghi vấn 6 đối tượng khác, sẽ triệu tập làm việc trong thời gian tới.
Thượng tá Hoàng cho biết cơ quan chức năng rất mong muốn làm rõ vụ việc này để đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật, làm gương cho các đối tượng khác. Lâm Hà nhiều năm qua là địa bàn nóng của tỉnh Lâm Đồng về tình trạng phá rừng lấy gỗ, chiếm đất sản xuất.
Bạch tùng tuy chỉ xếp vào loại gỗ nhóm IV nhưng giá trị loại gỗ này rất cao, được ưa chuộng trên thị trường, sức tiêu thụ lớn; giống cây thân gỗ, chiều cao khá ấn tượng, trung bình có thể đạt tới 15 – 20m.
Gỗ bạch tùng có mùi thơm dịu nhẹ, khó ẩm mốc, phù hợp với tập tính thu hút và nuôi chim yến; là nguyên liệu được ưa chuộng trong nghề chạm tranh bút lửa… Hiện có giá ván thành phẩm lên tới 60 triệu đồng/m3.
Một số hình ảnh vụ phá rừng bạch tùng cổ thụ: