Tiếp lửa cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) - Chính quyền TPHCM đang chạy “nước rút” trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trước khi bước vào giai đoạn phát triển năm năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TPHCM phát biểu tại Ngày hội Techfest Đông Nam bộ 2020. Ảnh: VD. |
Thời điểm “vàng” cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày 24-11, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) Đông Nam Bộ 2020 với chủ đề “Fostering resilience for startup ecosystem in the new normal” (tạm dịch: Tăng cường khả năng phục hồi cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong điều kiện bình thường mới), đã diễn ra tại cơ sở Nguyễn Tri Phương, Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH).
Đây là sự kiện lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TPHCM chủ trì, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trường UEH và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp thực hiện.
“Đây là giai đoạn mới trọng yếu để phát triển các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận.
Theo ông Đích, sự kiện Techfest lần này không chỉ đặt kỳ vọng hoạt động khởi nghiệp của khu vực Đông Nam bộ ngày càng mạnh mẽ hơn, mà cũng là nền tảng, cơ sở để Bộ tổ chức sự kiện Techfest ở quy mô quốc gia vào cuối tháng 11 này.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở khoa học và công nghệ TPHCM, đây là sự kiện nằm trong chuỗi ba sự kiên, nằm trong hoạt động Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh (WHISE), bao gồm Ngày hội khởi nghiệp Vùng 2020 và Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN), giúp gắn kết hệ sinh thái chặt chẽ hơn, không chỉ riêng khu vực ĐôngNam Bộ mà còn trên cả nước và thậm chí là quốc tế.
"Trong thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách để tiếp sức, tạo ra nguồn lực bổ sung và kết nối với công đồng, thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TPHCM", ông Dũng cho biết.
Ban tổ chức đặt kỳ vọng đối với các tỉnh thành thuộc khu vực, ngày hội sẽ giúp quảng bá hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng phục hồi sau khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Trình diễn công nghệ của Viện Đô thị thông minh và quản lý (ISCM, trực thuộc Đại học UEH) trong Ngày hội Techfest Đông Nam bộ. Ảnh:VD. |
GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường UEH cho biết ngày hội sẽ giới thiệu các mô hình điển hình kết nối hệ sinh thái địa phương và khu vực, đồng thời tôn vinh các các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực; kết nối và phát triển các nguồn lực đặc thù tạo thành mũi nhọn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam và góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
“Đây cũng là dịp để các cơ quan quản cấp trung ương và địa phương lắng nghe, tiếp nhận những đề xuất từ phía doanh nghiệp để có những nhận định, đánh giá; từ đó đưa ra những kiến nghị chính sách cho Techfest quốc gia, các vấn đề về xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở một số lĩnh vực thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ”, ông Phong cho biết. Đây cũng là năm đầu tiên UEH đăng cai tổ chức với vai trò là đơn vị trọng điểm khu vực phía Nam của Cục Phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo
Mới đây, TPHCM cũng ra mắt Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số, nơi các doanh nghiệp công nghệ trình diễn các sản phẩm công nghệ số phục vụ chương trình chuyển đổi số. Đây được xem là nền tảng hình thành Trung tâm chuyển đổi số của thành phố trong tương lai.
Bên cạnh mục tiêu xây dựng hạ tầng, trong thời gian gần đây, chính quyền TPHCM còn tích cực đẩy nhanh các cuộc hội thảo, xúc tiến các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp hay đổi mới sáng tạo ở địa phương.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong tham quan Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM, tại sự kiện ra mắt vào giữa tháng 10 vừa qua. Ảnh: V.D. |
Chia sẻ về kết quả hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Sở KHCN cho biết về hạ tầng, Thành phố đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc (khoảng 33.032 m2) và các không gian đổi mới sáng tạo.
TPHCM cũng đã nâng cao năng lực kết nối với 160 cố vấn khởi nghiệp, hơn 200 chuyên gia hướng dẫn, từ đó nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho hơn 3.000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, đã có 2.400 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra đời, 60 cuộc thi thu hút 3.000 dự án đăng ký tham gia. Công nghệ cũng đi vào giáo dục, đào tạo khi có 13.380 giáo viên và 136.666 học sinh phổ thông tham gia vào chương trình STEM.
Ngoài ra, TPHCM cũng hợp tác quốc tế thông qua mô hình hợp tác với Israel (VIPA), giúp cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực; hay Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với các đối tác hỗ trợ các start-ups Việt tăng tốc khởi nghiệp tại Hoa Kỳ và nhiều chương trình khác.
Theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 của Sở KHCN, các hoạt động nền tảng hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM sẽ được chia thành 4 nhóm. Đầu tiên là về huấn luyện (truyền cảm hứng, chiếm tỷ trọng khoảng 30%), tổ chức các sự kiện kết nối (30%), ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mưới sáng tạo (50%) và tăng tốc cho các dự án.
Bốn nhóm hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ “nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và năng lực cho các tổ chức, tạo ra thị trường cạnh tranh (nhà nước và tư nhân), thu hút được các nguồn đối ứng của xã hội trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, đại diện Sở chia sẻ.
Kế hoạch này được đặt ra trong bối cảnh TPHCM vẫn tiếp tục đối mặt vói nhiều thách thức dù nhiều tiềm năng. Đó là một số văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành thường chậm và chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, nguồn lực doanh nghiệp còn yếu, do trên 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Bên cạnh đó hoạt động đào tạo, hỗ trợ phát triển, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm còn hạn chế; việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng chưa gắn với thị trường. Ngoài ra, văn hóa chia sẻ ý tưởng, hợp tác cùng sáng tạo, hỗ trợ phát triển, chấp nhận rủi ro trong cộng đồng doanh nghiệp, trường viện cũng còn nhiều bất cập.
Ngoài không gian triển lãm, Ngày hội khởi nghiệp Techfest còn có một phiên tổng thể, phiên tọa đàm, hội thảo chuyên đề, thảo luận về chiến lược phát triển của nền kinh tế Việt Nam với các chủ đề “nóng” hiện nay như: Chuyển đổi số, Đô thị thông minh, Giáo dục thông minh, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ tài chính, Công nghệ Y tế, và Công nghệ tiên phong (trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối,…). Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa trải qua đại dịch Covid-19, Techfest Đông Nam bộ 2020 sẽ tạo ra các diễn đàn cùng trao đổi về việc làm thế nào để xây dựng năng lực tự phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam trong trạng thái bình thường mới và ứng dụng khoa học công nghệ mới để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và phục hồi sau khủng hoảng. |
Xem thêm: lmth.-oat-gnas-iom-iod-av-peihgn-iohk-ohc-aul-peit/899013/nv.semitnogiaseht.www