Taj Mahal - một vườn thiên đàng
Tôi đang ở thành phố Agra, bang Uttar Pradesh. Mỗi năm, sáu triệu du khách đổ vào Agra để thăm một công trình màu trắng được xây dựng cùng thời điểm với cung điện Versailles ở Pháp. Công trình này huyền thoại và lộng lẫy đến nỗi trái tim tôi đập nhanh lên lúc tôi nhìn thấy nó lần đầu tiên từ sân thượng của khách sạn mình đang ở.
Như bị mê hoặc, tôi nhìn không chớp mắt vào cái móng, vòm và tháp bằng đá cẩm thạch của Taj Mahal, một trong bảy kỳ quan thế giới đương đại. Taj Mahal có vẻ như vừa tắm mình xong vào sữa trắng, và hình dáng của nó hoàn thiện, hài hòa và cao thượng đến nỗi tôi có cảm giác nó do chính bàn tay của Thượng Đế được tạo thành.
Thiết kế của các vườn Mogul lấy cảm hứng từ vườn thiên đàng |
Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Hồi giáo và là di sản nổi tiếng nhất của Shah Jahan, hoàng đế thứ năm của đế quốc Mogul. Được sáng lập bởi Hoàng đế Babur ở thế kỷ 16, đế quốc Mogul đã kiểm soát phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ đến giữa thế kỷ 19 dưới triều đại Hồi giáo có dòng máu Mông Cổ và chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa Ba Tư.
Dưới thời Shah Jahan, đế chế Mogul trị vì một lãnh thổ đa ngôn ngữ đa sắc tộc bao gồm hơn một trăm triệu người dân ở khắp tiểu lục địa. Shah Jahan (tên nghĩa là ''Chúa tể của thế giới'' theo tiếng Ba Tư) là người say mê danh vọng, quyền lực và sự xa xỉ phung phí. Ông ta đã có năm nghìn cung phi và mỹ nữ nhưng đã yêu quý vợ thứ ba Mumtaz hơn ai hết. Khi Mumtaz đột ngột qua đời lúc đẻ con, sự mất mát này khiến Shah Jahan đau khổ đến nỗi ông ta quyết định xây dựng lăng mộ Taj Mahal, một dự án tham vọng với quy mô chưa từng thấy.
Trong thời gian hơn hai chục năm, 20,000 lao động và hơn 1,000 con voi được sử dụng để xây dựng Taj Mahal và họ đã khảm vào đá cẩm thạch trắng của nó 28 loại đá quý được vận chuyển từ khắp Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc, Tây Tạng, Ảrập, Sri Lanka... Theo một truyền thuyết, một khi Taj Mahal được hoàn thành, Shah Jahan ra lệnh chặt đứt tay của toàn bộ lao động tham gia dự án này nhằm họ không bao giờ có cơ hội tái xây dựng một công trình đẹp đẽ như Taj Mahal.
Tôi đi dạo qua vườn rộng lớn của Taj với nhiều đường đi, hàng cây và vòi phun nước. Ở giữa, một bể nước phản chiếu hình ảnh của Taj trên bề mặt của nó. Vườn của Taj Mahal được lấy cảm hứng từ vườn Ba Tư truyền thống, và trong tiếng Ba Tư (ngôn ngữ chính thức của các hoàng đế Mogul) từ pardis (tiếng Anh: ''paradise'') có nghĩa vừa vườn vừa thiên đường. Thật vậy, kiểu thiết kế của các vườn Mogul nói chung và của vườn Taj Mahal nói riêng là một biểu tượng vật chất của vườn thiên đàng theo cách mà người Hồi giáo của thời đó tưởng tượng nó.
Những người địa phương ở chân núi băng tại Kashmir |
Trong nhiều văn bản Hồi giáo, thiên đàng được miêu tả là một khu vườn hoàn bảo với một bể nước ở trung tâm và bốn con sông chia khu vườn thành bốn phần, đúng như thiết kế của các vườn Mogul. Vậy chúng ta có thể nói rằng trong mắt Shah Jahan, Taj Mahal không chỉ là ngôi lăng mộ của người vợ yêu quý và một cách để xoa dịu nỗi đau buồn mà còn là cách cho hoàng đế để hoàn thành sứ mệnh thuộc linh trên cõi đời này.
Vậy không lấy gì làm ngạc nhiên rằng các hoàng đế Mogul đã xây dựng rất nhiều khu vườn hoa tuyệt đẹp với những bể nước và kích thước hoàn thiện. Ngoài Taj Mahal, tôi cũng có dịp đến thăm một vườn hoa được Hoàng đế Jahangir xây dựng (tên ông ta có nghĩa là ''Nhà chinh phạt của cả thế giới'' theo tiếng Ba Tư). Vườn này nằm ở bang Kashmir và trái lại với Taj Mahal, khu vực này thu hút rất ít du khách quốc tế.
Kashmir - ''Địa đàng trên đất''
Thung lũng Kashmir nằm ở phía Bắc của Ấn Độ tại chân dãy núi Himalaya và là khu vực duy nhất Ấn Độ mà tín đồ Hồi giáo chiếm đa số. Từ khi Ấn Độ giành độc lập, Kashmir là nơi tranh chấp và xung đột chính trị - quân sự giữa Ấn Độ (chủ yếu theo đạo Hindu) và Pakistan (quốc gia Hồi giáo), nó là nơi chứng kiến nhiều giao tranh, khởi nghĩa ly khai và thậm chí hoạt động khủng bố đến tận bây giờ. Khủng khoảng ở Kashmir đã từng khiến hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan (đều có vũ khí hạt nhân) đứng trước bờ vực của chiến tranh và đã có thời, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố Kashmir là nơi nguy hiểm nhất thế giới.
Tuy vậy, ngày nay Kashmir đã an toàn hơn và du khách dần quay trở lại bởi vì khu vực này có vô vàn điểm tham quan hấp dẫn. Vì máu phiêu lưu của người trẻ (năm đó đó tôi chỉ 23 tuổi), tôi quyết định đến thăm Kashmir trong thời gian tôi du lịch ở Ấn Độ. Và mới đặt chân vào Kashmir, tôi được chào đón ở một trạm kiểm soát quân sự bởi một tấm biển to tướng ''Welcome to Kashmir - Địa đàng trên đất'' đặt ở giữa... dây thép gai.
Thật vậy, tôi bị choáng ngợp bởi sự hiện diện của quân đội Ấn Độ ở mọi nẻo đường: những hàng vô tận của xe tải quân sự bên đường, những người lính trang bị tận răng đứng ở mỗi chợ, ngân hàng, nơi công cộng... Vào năm đó, khoảng 700,000 lính Ấn Độ đã có mặt tại Kashmir. Song vậy, sự có mặt của lính khiến tôi phần nào cảm thấy đỡ lo lắng hơn, đặc biệt sau khi tôi được biết rằng chỉ mấy ngày trước khi tôi đến, ở thủ phủ Srinagar đã có một vụ đánh bom khủng bố.
Taj Mahal là một trong bảy kỳ quan thế giới đương đại |
Bất chấp rủi ro an ninh, tôi phải lòng thành phố Srinagar từ cái nhìn đầu tiên. Nằm ở độ cao 1.700 mét trên mực nước biển, Srinagar (tên nghĩa là ''Nơi giàu có'' bằng tiếng Phạn) được mệnh danh là Venice của phương Đông bởi hàng trăm nhà thuyền bằng gỗ tụ tập tại hồ Đal. Những ngôi nhà thuyền đầu tiên xuất hiện từ thời thực dân Anh còn cai trị ở Ấn Độ, và giới tinh hoa của Anh chọn Srinagar làm nơi để tránh khí hậu oi bức của tiểu lục địa (y như người Pháp từng chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng thời thực dân ở Việt Nam). Tôi ở mấy ngày trong một ngôi nhà thuyền được trang trí màu mè bởi những thảm Ba Tư sang trọng.
Tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ mang tên shikara (được ví như thuyền gondola nổi tiếng của Venice) và khám phá khu vực trên mặt nước, đi qua những vườn hoa sen và chợ nổi, ngắm hình phản chiếu của núi Himalaya trên mặt hồ và quan sát cuộc sống bình yên của người bản địa ngồi nhàn rỗi trên hiên nhà và hút shisha... Ở Sringar tôi cũng đến thăm khu vườn Shalimar được Hoàng đế Jahangir xây dựng cho vợ của ông vào năm 1619. Hệt như ở Taj Mahal, tôi mê mẩn trước vẻ đẹp đầy thi vị của khu vườn với những đài phun nước, bậc thang, bể nước và đường hoa trải dài gần như bất tận.
Người Kashmir có ngoại hình khác hẳn với người Ấn Độ với những nét mặt sắc bén, mũi cực kỳ to và râu đen, còn phụ nữ hay mặc salvar kameez, bộ trang phục truyền thống tinh tế bao gồm quần dài, áo choàng cổ và khăn trùm đầu. Người Kashmir là dân tộc yêu quê hương mình và thích khoe vẻ đẹp của ''Địa đàng trên đất'' (thậm chí hoàng đế Mogul Jahangir từng gọi Kashmir là ''thiên đường của thế giới'').
Và phải công nhận, tôi nhận ra vì sao thiên nhiên của Kashmir được ví với thiên đường khi tôi đến thăm thị trấn Sonamarg. Tại đó, tôi bị mê hoặc bởi cảnh quan thiên nhiên của những dãy núi Himalaya hùng vĩ tuyệt đẹp, những hồ nước màu xanh, những đồng cỏ mông mênh với bầy ngựa hoang dã... Tôi thuê một con ngựa và khám phá thung lũng đến tận nơi mà tôi nhìn thấy Thajiwas, một ngọn núi băng khổng lồ đẹp đến khó tin!
Ngày nay, có khoảng năm triệu người Hồi giáo ở Kashmir và gần hai trăm triệu người theo đạo này ở toàn bộ Ấn Độ, tức là một phần mười dân số Hồi giáo trên toàn thế giới. Cộng đồng Hồi giáo đã đóng góp một phần lớn cho di sản văn hóa lịch sử của Ấn Độ và một phần lớn của các nghệ sĩ, diễn viên, nhà soạn nhạc và nhà khoa học của đất nước này theo Hồi giáo.
Thêm nữa, ba trên mười bốn tổng thống của Ấn Độ độc lập là người theo Hồi giáo. Tiếc thay, mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo thiểu số và người Hindu chiếm đa số vẫn là một con đường đầy chông gai mà bất kỳ mâu thuẫn vi mô nào có thể làm dấy lên không khí căng thẳng và sự chia rẽ. Và khi tín ngưỡng và tình cảm tôn giáo nhập cuộc thì mỗi đối thoại giữa các cộng đồng trở nên càng phức tạp.
Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)Xem thêm: /653026-oD-nA-auc-gnoud-neiht-gnuhN/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna