- Châu Á: Ngày càng nhiều người trẻ ngại kết hôn
- Giải cứu 18 người trên xe khách bị kẹt do lũ cuốn
- Người trẻ mắc bệnh tim mạch đang gia tăng
COVID-19 ập đến, Nam - 15 tuổi, con trai một gia đình Việt kiều sống tại Hong Kong bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu vì nghiện mạng xã hội. 5 tháng liên tục bị “nhốt” trong căn nhà 15m2 ở khu Sham Shui Po (Kowloon), Nam dành 10-12 tiếng mỗi ngày "ôm" điện thoại di động và máy tính với lý do học trực tuyến.
Tuy nhiên, hầu hết thời gian cậu chơi game và xem các video trên YouTube hoặc chat với bạn bè. Đôi mắt của cậu trở nên mệt mỏi, nhìn mờ và khó ngủ. Tâm trạng của cậu lên xuống thất thường, luôn cáu gắt, căng thẳng, không có thời gian cho gia đình, thậm chí quên cả những nhu cầu tối thiểu của bản thân.
Những cuộc biểu tình và các đợt giãn cách xã hội khiến nhà hàng Việt Nam của bố mẹ Nam phải đóng cửa. Gia đình 4 người sinh hoạt chật chội trong căn hộ 15m2 chia thành 2 phòng nhỏ bởi vách ngăn. Những trận cãi vã của bố mẹ nổ ra càng đẩy cao nỗi bực bối cậu con trai tuổi teen. Và thứ duy nhất để cậu xả stress trong bối cảnh Hong Kong đóng cửa cả công viên, bãi biển là đắm chìm vào thế giới ảo.
Trong vài tháng gần đây, một cuộc khảo sát 97 thanh niên ở độ tuổi 13-25 bởi Hiệp hội Sân chơi Hong Kong - tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ xã hội cho trẻ em và thanh niên, cho thấy thời gian dùng điện thoại trung bình 8,5 giờ/ngày và chủ yếu là mạng xã hội. Hơn nửa người trong khảo sát bị mất ngủ, nhiều người thừa nhận giảm hiệu quả học tập và công việc.
Chan Ying-kit, phụ trách Trung tâm Sức khỏe tâm thần của Liên đoàn Các nhóm thanh niên Hong Kong, cho biết giới trẻ dành nhiều thời gian nhìn màn hình và tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số so với trước đây. Nhiều em có điện thoại và các thiết bị công nghệ khi mới học lớp 4-5.
Đáng báo động hơn, rất nhiều tổ chức nghiên cứu tâm lý và thiện nguyện đã cảnh báo tình trạng gia tăng đáng báo động về số lượng thanh thiếu niên chống chọi với đau khổ, tiêu cực và ý định tự tử trong đại dịch COVID-19.
Samaritans, một tổ chức từ thiện phòng chống tự tử, cho biết hơn 70% những người sử dụng dịch vụ email của họ là học sinh, từ cấp tiểu học đến đại học, trong đó, số lượng người dùng có ý định tự tử đã tăng gấp đôi từ tháng 6 đến tháng 9.
Một cuộc khảo sát của Mind HK, được thực hiện trên 328 người được hỏi trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 27 tháng 9, cho thấy 57% người Hong Kong trong độ tuổi từ 18 đến 34 cho biết sức khỏe tâm thần của họ đã trở nên tồi tệ hơn từ tháng 7 đến tháng 9.
Một cuộc khảo sát của Đại học Hong Kong vào tháng 8 cho thấy khoảng 75% cư dân thành phố đang có dấu hiệu trầm cảm từ trung bình đến nặng sau tình trạng bất ổn xã hội và giữa đại dịch. Những người trẻ tuổi bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và các triệu chứng trầm cảm nhiều hơn đáng kể.
Trường học bị đóng cửa, cảm giác bị cô lập, vô vọng về tương lai trong bối cảnh bất ổn xã hội, cộng thêm việc phải mắc kẹt trong những căn hộ mà chỗ ngủ chỉ bằng diện tích của một quan tài hoặc toilet hàng tháng trời đã khiến nhiều thiếu niên Hong Kong bùng nổ.
Việt Hà, một học sinh cấp 3 Việt Nam đang học tại Hong Kong kể, nhiều người bạn của em chia sẻ trên mạng xã hội về các cuộc cãi vã, bạo hành của bố mẹ liên quan đến tiền bạc, việc làm, sức khỏe. “Sự chịu đựng âm ỉ trong nhiều tháng trời đã đẩy các bạn vào bế tắc” - Hà nói.
Trước đó, Ann Pearce người phụ nữ có con trai là học sinh ưu tú của trường quốc tế Kong và cũng là một nghệ sĩ đường phố có tiếng, đã tự kết liễu đời mình khi mới 15 tuổi, tin rằng nguyên nhân sâu xa đằng sau những vụ tự tử của thanh thiếu niên Hong Kong là sự kỳ thị và cô lập.
“Nhiều người trẻ tuổi không dám mở lòng để chia sẻ với những người xung quanh về việc họ cảm thấy dễ bị tổn thương, yếu đuối hoặc bất an. Thêm vào đó, nhiều gia đình có những người mắc vấn đề sức khỏe tâm thần không thực sự thấu hiểu và đồng cảm”, cô phân tích.
Một nguyên nhân quan trọng khác được nhiều chuyên gia đề cập là mức độ cạnh tranh cao độ ở Hong Kong đã “nhấn chìm” cuộc sống của người dân nơi đây vào căng thẳng từ khi họ còn là đứa trẻ. “Chiến thắng từ vạch xuất phát” là một tư duy len lỏi trong ngõ ngách đời sống người xứ “Cảng thơm” khi nhiều gia đình dồn mọi nguồn lực thời gian, tiền bạc, năng lượng cho một em bé từ lúc còn là bào thai. Đó là các lớp học phát triển trí não cho thai nhi bằng nghe nhạc cổ điển, thực phẩm organic, buổi tập yoga hay vật lý trị liệu cho mẹ bầu với mục đích làm sao sinh ra một em bé khỏe mạnh, thông minh nhất.
Trong suốt thời gian mẫu giáo và tiểu học, ngoài thời gian ở trường, những đứa trẻ sẽ được đưa tới các trung tâm gia sư dạy tiếng Anh, toán, khoa học... hoặc các lớp học ngoại khóa về nghệ thuật, âm nhạc, võ thuật, hùng biện... Tất cả nhắm đến đích tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng nhất và sau đó họ sẽ có một cuộc đời thành công với danh tiếng và thu nhập cao.
Hệ thống giáo dục của xứ Hương Cảng được vận hành theo cuộc đua giữa các trường nhằm tạo thứ hạng cao hơn và danh tiếng tốt hơn. Giáo viên chịu áp lực nặng nề khi họ cố gắng nuôi dưỡng một lớp học có nhiều huy chương và cố gắng không có bất kỳ thành viên yếu kém nào vì những học sinh này sẽ làm tụt lùi thành tích của lớp. Áp lực của giáo viên tạo gánh nặng lên kết quả kiểm tra của học sinh khiến các em lo lắng và sợ hãi thất bại.
Những nhân tố này vô hình trung đã thúc đẩy văn hóa học thêm, dạy thêm ở Hong Kong bởi hầu hết phụ huynh đều cho rằng việc con mình có được nhận vào một trường học danh tiếng hay không phụ thuộc 70% kết quả học tập ở trường và 30% ở những trung tâm dạy thêm - nơi học sinh được rèn giũa, bổ trợ nhiều hơn kiến thức và các kỹ năng thi cử.
Trong tháng 11, nhiều hội thảo về sức khỏe tâm thần đã được tổ chức với lời kêu gọi khẩn cấp về việc cần phải đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề rối loạn lo âu và trầm cảm cho người trẻ Hong Kong, Tiến sĩ Laurie Santos, giáo sư tâm lý học tại Đại học Yale và là người dẫn chương trình Happiness Lab, là một trong những diễn giả tại hội thảo. Bà Santos nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối xã hội trong thúc đẩy sức khỏe tinh thần tốt. Nghiên cứu cho thấy những người hạnh phúc có xu hướng kết nối xã hội. Santos cho rằng để cảm thấy bớt cô đơn, những người trẻ cần kết nối trong cuộc sống thực, không chỉ qua mạng xã hội.
Odile Thiang - chuyên gia xã hội nhấn mạnh “một trong những điều quan trọng giúp trẻ đứng dậy chính là sự hỗ trợ từ người trưởng thành, mạnh mẽ trong cuộc sống”, đặc biệt là cha mẹ. “Nếu các bậc cha mẹ không chăm sóc bản thân thì sẽ rơi vào mệt mỏi, căng thẳng và có thể chuyển những tiêu cực đó sang con cái” - Thiang nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đưa ra 7 điểm để giúp những người trẻ tuổi vượt qua nghịch cảnh, đẩy mạnh ý chí và tư duy tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện tại:
1. Định hướng khác: “Những người trẻ tuổi cần phải thoát khỏi sự ích kỷ chỉ tập trung vào thành tích hay lợi ích cá nhân. Điều quan trọng là cần suy nghĩ rộng hơn về những điều có ý nghĩa và giúp ích cho người khác” - tiến sĩ Laurie Santos nói.
2. Lòng biết ơn: Thay vì phàn nàn, hãy dành thời gian để cảm nhận sự hạnh phúc, may mắn, bắt đầu từ những điều nhỏ bé hằng ngày như một bữa ăn, một khoảnh khắc, một nụ cười... Thực hành lòng biết ơn sẽ giúp vượt qua khó khăn nhanh hơn và cảm thấy tốt hơn.
3. Thói quen lành mạnh: Ngủ và tập thể dục đều đặn.
4. Dành thời gian cho bản thân và tìm bình yên ở bên trong bằng cách nghe nhạc, tập yoga, thiền, tập thái cực quyền và làm những điều mình thích.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ cố vấn tâm lý, nếu bạn cảm thấy cạn năng lượng hoặc lo âu, buồn rầu.
6. Nuôi dưỡng cái nhìn tích cực về bản thân: “Tập trung vào điểm mạnh của bạn và học cách phát huy những điểm mạnh khi gặp khó khăn” - Thiang nói.
7. Yêu thương bản thân: Hãy chăm sóc sức khỏe, tập thể dục và kết nối với bạn bè, phát triển niềm đam mê, sở thích.
Bảo ChâuXem thêm: /254916-A-uahc-tahn-uaig-iht-od-ueis-o-ert-iougn-auc-hcik-iB/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna