Nhiều nước phải tái phong tỏa
Từ ngày 30-10, người dân Pháp không được phép tự do ra khỏi nhà. Các quán rượu và nhà hàng cũng buộc phải đóng cửa ít nhất đến tháng 12. Hoạt động đi lại giữa các địa phương trong nước cũng bị hạn chế. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định nước này đang dần kiểm soát tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng chưa sẵn sàng để nới lỏng lệnh phong tỏa hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19 (sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil), với hơn 2 triệu ca mắc và đứng thứ 3 ở châu Âu về số ca tử vong (sau Anh và Italy). Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã đặt mục tiêu dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 1-12, nhưng không loại trừ khả năng gia hạn lệnh trên nếu không đảm bảo các tiêu chí.
Người dân Paris, Pháp, xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19. |
Ngày 17-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà sẽ ưu tiên những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn mà đã được nhất trí với các lãnh đạo bang và liên bang một ngày trước, đồng thời thể hiện lo ngại về sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở một số nơi, trong đó có thủ đô Berlin. Sau khi các lãnh đạo bang và liên bang quyết định trì hoãn tới ngày 25-11 quyết định áp đặt thêm các biện pháp đẩy lùi đại dịch, bà Merkel nêu rõ: "Mỗi ngày đều là cuộc chiến chống COVID-19".
Vương quốc Anh trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về số ca tử vong do COVID-19. virus/ngày. Hiện vùng England đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tháng cho đến ngày 2-12. Theo quy định này, toàn bộ cửa hàng không thiết yếu, quán rượu, nhà hàng và phòng tập gym, đều phải đóng cửa, chỉ có trường học được phép hoạt động.
Tại Áo, trường học và cửa hàng đóng cửa ba tuần, cho đến ngày 6-12. Tại Hy Lạp, một tuần sau cấp trung học, đến lượt các trường tiểu học và mẫu giáo đóng cửa cho đến cuối tháng 11 trong bối cảnh toàn quốc bị phong tỏa kể từ ngày 7-11. Ở Bồ Đào Nha, hơn 100 thành phố, tổng cộng 70% dân chúng bị “giới nghiêm”…
Ngày 13-11, Bộ Y tế Italy đã ban hành chỉ thị mới bổ sung thêm 2 vùng là Campania và Toscana vào danh sách vùng đỏ - vùng có rủi ro cao nhất về dịch bệnh COVID-19 và có hiệu lực từ ngày 15-11.
Còn tại Nga, tính đến ngày 18-11 có thêm 456 ca tử vong do COVID-19, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 34.387 ca. Nga trở thành quốc gia có số ca mắc cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp. Do số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, nhiều khu vực ở Nga đang rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh, nhân viên cũng như trang, thiết bị y tế.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga. |
Ba Lan cũng ghi nhận số ca tử vong trong vòng một ngày ở mức cao kỷ lục với 603 ca. Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska cho rằng số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm sau khi nước này tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ba Lan đã áp dặt các biện pháp hạn chế mới trong tháng này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó triển khai hình thức học trực tuyến cho tất cả các trường học, đóng cửa các nhà hàng và hầu hết các cửa hàng tại các trung tâm thương mại, đồng thời cấm tập trung đông người từ 5 người trở lên.
Hungary đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến tháng 2-2021, qua đó cho phép áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần nhằm hạn chế số ca tử vong do COVID-19. Tình trạng khẩn cấp trên dự kiến hết hạn vào ngày 11-12 tới, nhưng theo một sắc lệnh của chính phủ công bố tối 17-11, sẽ kéo dài thêm 2 tháng, đến ngày 8-2-2021. Các biện pháp hạn chế bao gồm lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, cấm tập trung đông người, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, và triển khai học trực tuyến cho các trường trung học và đại học. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình trong vòng 7 ngày, tính đến ngày 18-11, tại Hungary hiện cao thứ 4 ở châu Âu, sau CH Séc, Bỉ và Bulgaria…
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ dành một khoản ngân sách trị giá 220 triệu euro để chuyển các bệnh nhân COVID-19 từ các nước tâm dịch sang các nước láng giềng nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang quá tải tại một số nước. Theo Chủ tịch EC Von der Layen, nếu EU không hành động kịp thời, hệ thống y tế châu Âu sẽ sụp đổ.
Các chính phủ đối mặt với nhiều thách thức
Theo các nhà phân tích, việc dịch COVID-19 tái bùng phát sẽ khiến nền kinh tế châu Âu còn chưa kịp vực dậy sau đợt dịch thứ nhất sẽ tiếp tục giảm phát kéo dài. Làn sóng đại dịch mới cũng có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế kép và làm trầm trọng thêm vấn đề giảm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết hoạt động kinh tế của Pháp trong tháng 11-2020 giảm 12% so với mức bình thường và tồi tệ hơn mức giảm 4% trong tháng 10-2020.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) cho biết đợt phong tỏa lần thứ hai để ngăn chặn sự lây lan mạnh của COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý. Bộ Kinh tế Đức dự báo Tổng sản phẩm quốc nội GDP sẽ giảm 5,8% trong năm nay, trước khi tăng trở lại 4,4% vào năm tới. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu chính phủ kiểm soát được đại dịch, hạn chế gia tăng các ca nhiễm mới, cũng như giữ được kinh tế Đức như trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 vừa qua.
Lĩnh vực nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro, các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm 2,1 tỷ euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỷ euro. Phần thiệt hại còn lại sẽ thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các công ty hậu cầu và các nhà khai thác rạp chiếu phim.
Ngay cả Thụy Sỹ - nơi được đánh giá là ứng phó khá tốt trong làn sóng đầu tiên, sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Thụy Sỹ hiện đã trở thành vùng lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2 kể từ đầu tháng 10. Các biện pháp hạn chế của Thụy Sỹ được đánh giá là nhẹ hơn so với các nơi khác ở châu Âu. Chính phủ Thụy Sỹ đề xuất hỗ trợ tài chính 200 triệu CHF (219 triệu USD) cho các công ty bị ảnh hưởng bởi các hạn chế nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19. Các khoản hỗ trợ không được vượt 10% doanh thu năm 2019 của một công ty, trong khi các khoản cho vay được giới hạn ở mức 25% doanh thu của năm ngoái và không được cao hơn 10 triệu CHF. Chính phủ cũng thực hiện các bước để tiếp tục hỗ trợ cho những người lao động tự do và những người lao động khác...
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Varese, Italy, ngày 19-10-2020. |
Kinh tế khó khăn đã khiến người dân có phản ứng tiêu cực với các quy định phong tỏa, hạn chế đi lại. Từ cuối tháng 10 tới nay, tại một số nước châu Âu đã nổ ra các cuộc biểu tình phản đối các lệnh tái phong tỏa. Tại Tây Ban Nha, người biểu tình và tuần hành đã bùng phát thành bạo loạn và cướp bóc. Tại thủ đô Madrid, phong trào biểu tình dữ dội khi nhiều người xuống đường hô vang khẩu hiệu “tự do”. Họ đốt cháy thùng rác và dựng rào chắn trên đường phố chính. Tại Italy, người dân cũng đổ xuống đường phản đối Chính phủ ban hành các biện pháp cứng rắn mới nhằm ngăn chặn đại dịch. Hàng nghìn người đã biểu tình tại Rome và ném chai lọ, gạch đá vào lực lượng hành pháp. Người biểu tình lo ngại chính phủ sẽ không có các biện pháp hỗ trợ đầy đủ khi cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch trong suốt năm 2020.
Tại Đức, biểu tình đã diễn ra ở Munich, Berlin phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ. Dù chính quyền cảnh báo tình thế hiện tại rất nguy hiểm và ẩn chứa rủi ro dịch bệnh sẽ bùng phát nghiêm trọng hơn, nhưng nhiều người cho rằng các biện pháp này vi phạm quyền được quy định trong hiến pháp của họ.
Tuy nhiên, trước tốc độ bùng phát dịch bệnh như hiện nay, thì việc áp đặt các lệnh phong tỏa mới là điều không thể tránh khỏi và đang đặt các chính phủ vào thế khó khi vừa phải chống dịch nhưng cũng phải đảm bảo an ninh xã hội.
Ngọc Trang (Tổng hợp)Xem thêm: /625026-91-DIVOC-oab-iov-yaoh-yaol-ial-uA-uahC/meid-ueiT-us-gnohP/nv.moc.dnac.ctsc