Hãng tin Reuters cho biết hôm 24-11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Nhật, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của Bắc Kinh kể từ khi Nhật có thủ tướng mới.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở châu Á, cũng như tranh chấp giữa hai nước về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) vẫn chưa hạ nhiệt.
“Có nhiều vấn đề đang chờ xử lý giữa hai bên, vì vậy thông qua các cuộc gặp cấp cao, điều quan trọng là cả hai phải tìm được giải pháp cho từng vấn đề một” - Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi nói hôm 23-11 trước thềm cuộc gặp song phương Trung - Nhật.
Hòa hoãn ở biển Hoa Đông, cùng khôi phục kinh tế
Theo đó, tại cuộc gặp hôm 24-11, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác chống lại đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng trầm trọng do dịch bệnh gây nên, đồng thời cố gắng tránh các hành động gây căng thẳng đối với khu vực đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Vương Nghị và Ngoại trưởng Motegi cũng đồng ý nối lại các hoạt động du lịch hai bên, thông qua một chương trình cho phép du khách tham gia các hoạt động giải trí trong khoảng thời gian cách ly 14 ngày của họ. Dự kiến, hai nước sẽ khởi động lại hoạt động kinh doanh du lịch vào cuối tháng này.
“Tôi kỳ vọng thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế giữa Nhật và Trung Quốc và giúp hai quốc gia hiểu biết nhau rõ hơn” - ông Motegi nói. Theo ông, việc duy trì mối quan hệ ổn định giữa Nhật và Trung Quốc là rất quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn đối với khu vực.
Hai nước đồng thời nhất trí hợp tác với nhau về các vấn đề như biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, chăm sóc sức khỏe và thương mại kỹ thuật số. Bộ trưởng Vương Nghị cho biết cả hai ủng hộ một hệ thống thương mại đa quốc gia dựa trên một hệ quy tắc chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Nhật Toshimitsu Motegi (phải) họp báo chung tại Tokyo vào ngày 24-11. Ảnh: AP
Ông Motegi và người đồng cấp Trung Quốc còn thảo luận về vấn đề tranh chấp giữa hai nước trên đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở vùng biển Hoa Đông và nhất trí sẽ cố gắng không làm căng thẳng tăng thêm, hảng tin AP cho hay.
“Hai nước sẽ thiết lập một đường dây nóng giữa lực lượng quân đội mỗi bên vào cuối tháng 12 này để cải thiện hệ thống thông tin liên lạc và bảo đảm an toàn” - ông Vương Nghị nói.
“Trung Quốc hy vọng rằng với những nỗ lực chung của cả hai bên, chúng tôi có thể xây dựng biển Hoa Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Điều này sẽ phục vụ lợi ích cơ bản và lâu dài cho cả hai quốc gia”- Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc chia sẻ thêm.
Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi ngày 24-11. Ảnh: AP
Tuy nhiên, hai bộ trưởng vẫn khăng khăng giữ vững yêu sách lãnh thổ của mình. Ngoại trưởng Motegi cho biết ông ấy đã nhắc lại lập trường của Nhật và thúc giục Trung Quốc thực hiện hành động hướng tới tương lai tốt hơn.
Phản hồi lại, ông Vương Nghị lên tiếng bảo vệ hành động tuần tra tại vùng biển tranh chấp của Trung Quốc: “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng trong vấn đề này. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình”.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi thúc cùi chỏ để chào nhau khi bắt đầu cuộc hội đàm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Ảnh: AP
Trung Quốc tích cực tranh thủ 2 đồng minh của Mỹ
“Đối với Trung Quốc, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đến việc hoạch định lại chiến lược đối với hai đồng minh của Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống tân cử Joe Biden sắp tới” - ông Toshiya Takahashi, Phó giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Shoin nhận định.
Các chuyên gia tin rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị có thể giúp đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật và Hàn Quốc để thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại.
Nhật hiện đang rơi vào bế tắc khi phải cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của mình và Mỹ - đồng minh và là đối tác an ninh quan trọng, theo Reuters.
Trong khi cố tránh xa những luận điệu chống Trung Quốc gay gắt của đồng minh Mỹ, Thủ tướng Suga đã chuyển sang chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ với Úc và một số nước trong khu vực.
Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi ngày 24-11. Ảnh: AP
Trước đó, vào đầu tháng 11, Trung Quốc đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 14 quốc gia khác bao gồm các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, song Mỹ không tham gia vào thỏa thuận này.
RCEP là thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên của Trung Quốc và là thỏa thuận cắt giảm thuế quan song phương đầu tiên giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc nằm trong một khối thương mại tự do duy nhất.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ “tích cực xem xét” việc ký kết một hiệp định thương mại tự do khác: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Là thành viên quan trọng của CPTPP và sẽ là chủ tịch của CPTPP vào năm tới, Thủ tướng Nhật bày tỏ mong muốn mở rộng CPTPP, có khả năng mở đường cho Trung Quốc tham gia sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này, Reuters đưa tin.