Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế) có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, người đứng đầu cơ quan thuế được phép đề nghị ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng, như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch… Không ít người lo rằng, các giao dịch chuyển khoản thông thường cũng có thể bị tính thuế.
Ngăn thất thoát thuế
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, không ít người tỏ ra lo lắng vì cho rằng, các giao dịch chuyển hay nhận tiền từ tài khoản cá nhân đều bị cơ quan thuế nắm bắt và có thể sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân, kể cả những khoản tiền mà các thành viên trong gia đình chuyển cho nhau. Một số người còn lo bị lộ thông tin tài khoản cá nhân.
Rất nhiều youtuber, facebooker có thu nhập “khủng” nhưng chưa kê khai, nộp thuế |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM - khẳng định không phải tất cả khách hàng có giao dịch với ngân hàng thương mại đều bị cung cấp thông tin tài khoản theo định kỳ. Ngân hàng thương mại chỉ cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Theo ông Sơn, ngân hàng thương mại chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản nếu có văn bản đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, văn bản này phải nhằm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Ngân hàng thương mại không được tùy tiện cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng. Quy định này trong 126/2020/NĐ-CP nhằm phục vụ công tác quản lý thuế, đặc biệt là thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - vốn thu không hiệu quả trong thời gian qua do việc thu thập thông tin khách hàng gặp nhiều khó khăn.
Cục Thuế TP.HCM từng ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng đối với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trong năm 2016 và 2017 nhờ viết chương trình trò chơi trên Facebook, Google, YouTube; truy thu 9,1 tỷ đồng của một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua Facebook có doanh thu gần 450 tỷ đồng trong hai năm… Đây là những trường hợp hiếm hoi mà cơ quan thuế may mắn phát hiện ra trong vài năm trở lại đây.
Với Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế sẽ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khi các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… trả tiền cho một tổ chức hay cá nhân nào đó, từ đó biết được người nhận, mức nhận để yêu cầu kê khai, nộp thuế.
Không bỏ sót youtuber, facebooker
Hiện nay, cá nhân có thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube được xếp vào diện kinh doanh và với doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng (áp dụng cả bán hàng bên ngoài và bán online) thì phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân 2% và thuế giá trị gia tăng 5%. Cá nhân thực hiện việc kê khai thuế rõ ràng thì không cần lo lắng thông tin tài khoản ngân hàng mình bị cung cấp cho cơ quan thuế, cũng không có chuyện bị tính thuế dựa vào biến động số dư trong tài khoản khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.
“Khi ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cơ quan thuế phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin. Nếu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin không đúng quy định thì theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại” - ông Nguyễn Thái Sơn nói.
Ngoài ra, Nghị định 126/2020/NĐ-CP còn quy định: các ngân hàng thương mại thực hiện việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số với tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, quy định này có thể gây khó khăn, thiệt thòi cho khách mua hàng ở Việt Nam. Chẳng hạn, một công ty ở Việt Nam đăng quảng cáo trên Google, chi phí phải trả là 300 triệu đồng/tháng; khi công ty chuyển trả tiền cho Google, pháp luật thuế Việt Nam bắt buộc công ty (hoặc ngân hàng) phải khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp (ví dụ 10% trên doanh thu, tương đương 30 triệu đồng). Như vậy, công ty ở Việt Nam chỉ chuyển cho Google 270 triệu đồng, kèm theo chứng từ chứng minh đã nộp thuế 30 triệu đồng thay cho Google thì liệu Google có chịu không?
Ông Sơn nhận định: “Theo tâm lý thông thường, Google sẽ tự ý cắt hợp đồng quảng cáo với công ty ở Việt Nam ngay. Nếu công ty ở Việt Nam muốn tiếp tục thực hiện quảng cáo với Google, họ sẽ bỏ tiền túi nộp thuế 30 triệu đồng thay cho Google, chịu thiệt thòi là cái chắc”.
Ông Nguyễn Thiện Giang - Giám đốc VietABank chi nhánh TP.HCM - cho rằng việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của những người có giao dịch xuyên biên giới là góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, nhất là đối với cá nhân, doanh nghiệp “né” thuế. Nếu hiểu đúng về Nghị định 126/2020/NĐ-CP, người dân sẽ không hoang mang, lo ngại. Để người dân tự nguyện nộp thuế, ngành thuế có thể giảm thuế hoặc thu thuế theo từng lĩnh vực kinh doanh, sản xuất.
Theo các chuyên gia, để áp dụng nghị định mới này, bộ máy của ngành thuế phải được tổ chức lại, từ đó theo dõi, thu thập và xử lý kịp thời, chính xác thông tin của các cá nhân có phát sinh thu nhập từ các hoạt động trên mạng xã hội.
Thanh Hoa