vĐồng tin tức tài chính 365

Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình: Con trai làm CEO là một 'sự hi sinh, đòi hỏi cống hiến'

2020-11-25 10:04

Sau 4 tháng bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu làm Tổng giám đốc, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ( HoSE: HBC ) vừa tổ chức lễ "Chuyển giao thế hệ". Sự kiện này đánh dấu bước chuyển giao của thế hệ sáng lập cho thế hệ lãnh đạo thứ hai sau 33 năm công ty được thành lập và phát triển. Ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, là con trai Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải. 

Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình: Con trai làm CEO là một sự hi sinh, đòi hỏi cống hiến - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Hiếu, Tổng giám đốc mới của Xây dựng Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HBC

Lựa chọn thời điểm chuyển giao trong giai đoạn thị trường xây dựng có nhiều khó khăn, khủng hoảng vì dịch bệnh, ông Lê Viết Hải nói có nhiều lý do nhưng khẳng định đã hội tụ nhiều điều kiện cần và đủ.

Thứ nhất, ông Hải nhắc tới quy định từ Nghị định 71 của Chính phủ về việc tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Nghị định 71 có hiệu lực từ 1/8/2017 nhưng cho phép việc kiêm nhiệm nếu được cuộc họp cổ đông thông qua, chính thức áp dụng từ 1/8/2020. Ông Hải cho biết bản thân đã phải kiêm nhiệm 2 chức danh này hơn 30 năm qua và 3 lần phải trình cổ đông thông qua tại các kỳ họp ĐHĐCĐ 2017 - 2018 - 2019. Việc kiêm nhiệm có thuận lợi là ra quyết định nhanh hơn, dễ hơn nhưng cũng có nhiều áp lực lớn. Với một công ty đại chúng, ông Hải ý thức được rằng cần có sự tách bạch chức danh nhưng phải tìm được người phù hợp.

Ngoài vấn đề về quy định pháp luật, điều quan trọng hơn là vào đúng thời điểm này, Hòa Bình phải tái cấu trúc. Người sáng lập tập đoàn nói đại dịch khiến mọi hoạt động của công ty cần phải được sắp xếp, hệ thống lại để củng cố tiềm lực, chuẩn bị tâm thế bước vào giai đoạn phát triển mới - đầu tư ra thị trường nước ngoài. Ông Hải cho rằng công ty đã có một hệ thống quản lý, nền tảng văn hóa rõ ràng làm tiền đề cho việc chuyển giao. Giai đoạn tới, với chiến lược mở rộng ra nước ngoài, ông Hải đánh giá sẽ đầy khó khăn, thử thách, đòi hỏi sức trẻ, kiến thức bài bản và năng động.

Vị Chủ tịch có niềm tin trao lại trọng trách này cho thế hệ kế cận. Đồng thời, ông gọi việc giao quyền điều hành là một sự hi sinh, "hi sinh đứa con của mình cho sự nghiệp chung, vì nó phải chịu những áp lực, căng thẳng như tôi đã từng trải qua. Chức vụ này không phải là quyền lợi, nó đòi hỏi sự cống hiến". Nhắc tới niềm tự hào về con trai mình, ông Hải nhấn mạnh tới bản tính chính trực, sự khiêm tốn của Lê Viết Hiếu và cho rằng "văn hóa Hòa Bình kết tinh trong Hiếu một cách tự nhiên, có lẽ một phần do gen và cũng do truyền thống gia đình".

Nói về việc kế thừa, ông Lê Viết Hiếu khẳng định không có nhiều áp lực. Ông Hiếu tự nhận mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ở vị trí mà nhiều người không có được. Do đó, ông Hiếu tự nhận thấy cơ hội đến thì phải nắm bắt, vận dụng nó tốt nhất và nhận biết trách nhiệm của mình; hiểu về những hoài bão mà người sáng lập, Chủ tịch và là người cha đã gây dựng suốt 33 năm qua.

Trong 5 năm tới, tổng giám đốc mới của Hòa Bình nói quan điểm điều hành sẽ kết hợp giữa kinh nghiệm của người đi trước, nhiệt huyết nghị lực của người đi sau. Ông Hiếu cho rằng Hòa Bình có giá trị lớn suốt 33 năm là đội ngũ nhân sự có giá trị đặc biệt với tập đoàn. Ông Hiếu khẳng định sẽ điều hành công ty không theo hướng ra quyết định và chỉ đạo mà bằng cách đặt câu hỏi. Ông muốn xây dựng một ban điều hành ăn ý, cởi mở trao đổi cùng tìm ra giải pháp.

Trong phần giao lưu với lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết lợi thế với thế hệ kế cận của Hòa Bình đến từ yếu tố con người. Ông Lê Viết Hải khởi nghiệp lúc trạc tuổi Lê Viết Hiếu, cũng đi lên từ con số 0, kiến tạo Văn phòng Xây dựng Hòa Bình với hành trang là tinh thần yêu nước, lời dạy bảo của cha mẹ... và có được như ngày hôm nay. Trong khi đó, Hiếu được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế, lại được sự ủng hộ từ các bậc lãnh đạo. Ông Trường cho rằng Lê Viết Hiếu có xuất phát điểm tốt hơn cha mình, kế nhiệm khi Hòa Bình có sẵn đối tác, có thương hiệu trên thương trường.

Tuy nhiên, ông Trường chỉ ra điểm bất lợi cũng đến từ con người, khi lãnh đạo mới gặp sức ép từ người tiền nhiệm. Điều này có thể được bù đắp nếu Hiếu biết học hỏi, lắng nghe, đôi khi cần dũng cảm bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, ông Trường nhấn mạnh những bất lợi này sẽ dần mất đi theo thời gian. Vị Chủ tịch Sungroup cũng bày tỏ mong muốn một ngày nào đó gần nhất được chuyển giao sứ mệnh của mình cho thế hệ kế cận để đi tiếp con đường ông đã vạch ra, như cách ông Lê Viết Hải đang làm.

Ông Lê Viết Hiếu tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên môn tài chính doanh nghiệp tại một trường Đại học thuộc California (Mỹ). Ông Hiếu có 2 năm làm chuyên viên tín dụng của Shinhan Việt Nam (2014 - 2016).

Năm 2016, ông Hiếu gia nhập Tập đoàn Hòa Bình với vị trí Phó Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài. Đến năm 2018, ông lên chức Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài. Từ tháng 5/2019, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đối ngoại khu vực miền Bắc. Từ 23/7/2020, ông Hiếu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc tập đoàn.

Khổng Chiêm

NDH

Xem thêm: nhc.7212249052110202-neih-gnoc-ioh-iod-hnis-ih-us-tom-al-oec-mal-iart-noc-hnib-aoh-gnud-yax-hcit-uhc/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình: Con trai làm CEO là một 'sự hi sinh, đòi hỏi cống hiến'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools