Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 10, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài ở mức rất thấp, khoảng hơn 18.000 tỉ đồng, đạt 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trả kế hoạch vốn
Trong đó, số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương mới đạt 5.824 tỉ đồng (27,07%), số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỉ đồng (31,87%). Đặc biệt, một số nơi hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2020 đã gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong những năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.
Nhìn nhận dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một trong những nguyên nhân tác động đến tiến độ giải ngân vốn ODA.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra: Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng công nghệ nhanh chóng lỗi thời dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. "Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và dẫn chứng từ đầu năm đến nay đã có 26 dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Về công tác giải phóng mặt bằng, theo Bộ KH-ĐT, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác này không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công. Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA còn bất cập, nhất là các khâu chuẩn bị đầu tư như: thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng… Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn bị động, lúng túng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án và tiếp nhận nguồn vốn.
Dự án metro 1 Bến Thành - Suối Tiên chậm giải ngân vốn ODA chủ yếu vướng mắc tỉ giá đồng yen và đồng Việt Nam. Trong ảnh: Toa tàu metro số 1 cập cảng Khánh Hội, quận 4, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nơi cần thì lại thiếu, chậm
Trong những hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với các bộ ngành, địa phương để "thúc" tiến độ giải ngân vốn ODA gần đây, Bộ KH-ĐT liên tục kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho phép chuyên gia, tư vấn nhập cảnh. Đồng thời, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của những dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp để bảo đảm sử dụng hiệu quả khoản vay. "Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, hạn chế cân đối từ nguồn thu từ đất" - đại diện Bộ KH-ĐT cho hay. Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp rút ngắn thời gian đàm phán, ký hiệp định vay vốn, thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại.
Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay TP đã phân bố 5.054 tỉ đồng vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho 6 dự án nhưng tính đến ngày 23-10, mới giải ngân được 30% và ước giải ngân năm 2020 chỉ đạt 40,8%. Nguyên nhân là do nguồn vốn khoảng 2.500 tỉ đồng bố trí cho dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 chưa giải ngân được đồng nào.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chậm được giải ngân tại dự án metro 1, metro 2 chủ yếu là do vướng mắc tỉ giá đồng yen và đồng Việt Nam.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT từ sớm xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương bằng tiền đồng Việt Nam cho dự án metro số 1 và metro số 2. Trường hợp không giải ngân kịp trong năm 2020 thì cho phép điều chuyển và giải ngân vào đầu năm 2021. Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét gia hạn Hiệp định vay VN11-P7 của dự án metro 1 đến ngày 31-10-2021 để làm cơ sở giải ngân hết số vốn vay ODA của hiệp định này và bảo đảm đủ nguồn vốn dự thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, góp ý để giải ngân vốn hiệu quả, phải chú trọng đến quá trình chuẩn bị và thiết kế dự án. Đồng thời, công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn phải sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án. Theo ông Cường, trong bối cảnh hiện nay, vốn phải được "rót" vào những dự án quan trọng, có độ lan tỏa cao.
Sớm khắc phục điểm nghẽn
Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng giải ngân vốn ODA tính đến cuối tháng 10 mới đạt 30,15% kế hoạch cho thấy có một số điểm còn vướng mắc trong khâu thực hiện. Trong đó, có tình trạng quy định chưa tương thích với pháp luật nước ngoài về quy trình, thủ tục. "Các tổ chức nước ngoài muốn giải ngân ODA theo tiến độ, còn chúng ta giải ngân vừa căn cứ theo tiến độ vừa theo dự toán được duyệt. Chúng ta không xác định được tiến độ dự án nên không xây dựng được dự toán chính xác, dẫn đến dự toán thấp còn tiến độ lại vượt dự toán. Khi tiến độ vượt dự toán, sẽ phải trình cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh dự toán. Việc này Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định mà thẩm quyền thuộc về Quốc hội, trong khi Quốc hội 1 năm chỉ họp 2 lần nên khó tránh chậm phê duyệt điều chỉnh" - ông Nhã giải thích.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng sở dĩ Quốc hội cần kiểm soát chặt việc bổ sung, điều chỉnh dự toán bởi muốn bảo đảm kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, không muốn dẫn đến hồi tố về sau này. Bên cạnh đó, việc tổng hợp, báo cáo từ các bộ - ngành cũng còn chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội nên nhiều dự án chưa được phê duyệt bổ sung kịp thời. "Từ năm 2015 trở về trước, mỗi năm Chính phủ chỉ trình Quốc hội quyết khoảng 15.000-16.000 tỉ đồng vốn ODA nhưng sau lại điều chỉnh tăng gấp 4-5 lần. Hiện nay, Quốc hội cho phép điều chỉnh ODA trong phạm vị dự toán duyệt nhưng từ đầu năm tới giờ vẫn chưa thấy điều chỉnh ở phía bộ, ngành, dẫn đến nơi thiếu, nơi thừa vốn. ODA hay các nguồn đầu tư công khác thực chất hòa chung một dòng vốn nên việc điều chỉnh là khá dễ dàng" - ông Nhã nói và cho rằng cần sớm khắc phục điểm nghẽn này.
Xem thêm: mth.23174441242110202-i-man-gnuc-am-yav-neit-ado-nov/et-hnik/nv.moc.dln