Theo đài Channel News Asia, vào hôm 24-11, Lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei bác khả năng tới đây nước này sẽ đàm phán với phương Tây liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.
Trong bài phát biểu được truyền hình nhà nước Iran đưa tin, Lãnh tụ tối cao Khamenei hoài nghi về hiệu quả của việc đàm phán với phương Tây.
Ông Khamenei cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng đàm phán cùng với Mỹ nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran và nối lại thỏa thuận hạt nhân trong nhiều năm, nhưng có vẻ như điều này chẳng đi đến đâu cả”.
Ông cũng cho biết thêm: “Họ đã can thiệp vào các vấn đề khu vực trong khi yêu cầu chúng tôi không được làm vậy. Họ yêu cầu chúng tôi không được sở hữu tên lửa hạt nhân trong khi Anh và Pháp đang sở hữu nó. Họ nên nhìn lại họ trước khi yêu cầu chúng tôi làm bất cứ điều gì”.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei . Ảnh: REUTERS
Nhân viên của ông Joe Biden - người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 - cho biết ông hiện tại đang “ôm ấp” mục tiêu khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc khôi phục thỏa thuận sẽ không diễn ra một cách dễ dàng khi mà cả hai bên đều muốn có những cam kết bổ sung.
Mỹ muốn Iran hạn chế các chương trình tên lửa vốn không nằm trong thỏa thuận hạt nhân trước đó, đồng thời giảm bớt các hành động can thiệp vào khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, Iran đã bày tỏ rõ quan điểm sẽ không đưa các chương trình tên lửa vào thỏa thuận. Iran cũng nhấn mạnh sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào trừ khi Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vô điều kiện.
Các lệnh trừng phạt dưới thời ông Trump đã tác động nặng nề đến nền kinh tế của Iran. Dưới tình hình này, vào hôm 24-11, phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết các công ty nước ngoài sẽ trở lại Iran trong thời gian tới.
“Các liên hệ về việc mở các công ty và văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài tại Iran đã tăng lên gần đây”- ông Rabiei nói trong một cuộc họp báo được phát trực tiếp trên trang web chính phủ.
Ông Rabiei cũng cho biết thêm: “Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ làm tăng mức độ hiện diện và nguồn đầu tư của các công ty nước ngoài tại Iran”.
Tuy vậy, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết các công ty vẫn còn cảnh giác về sự thiếu minh bạch ở Iran, đồng thời thông tin ông Biden sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng không đủ thu hút để họ quay trở lại với thị trường nước này.