Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với ông Joe Biden (khi đó là phó tổng thống Mỹ) bên trong Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 4-12-2013 - Ảnh: CNBC/Getty Images
Sau khi Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) "bật đèn xanh" chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden, Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 24-11 đăng bài viết: "Khi nước Mỹ bước vào thời đại Biden, Trung Quốc được khuyên hãy liên lạc với đội ngũ của ông Biden để khôi phục đàm phán".
Các chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã có thể bắt đầu liên lạc với đội ngũ của ông Biden và khôi phục các kênh liên lạc song phương. Trong đó, "khởi đầu tốt đẹp" sẽ là hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu và thảo luận về cắt giảm hàng rào thuế quan, theo Thời Báo Hoàn Cầu.
Ông Lý Hải Đông (Li Hai Dong), giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, gọi đội ngũ của ông Biden là một nhóm "ưu tú" và "dễ đoán" về chính sách đối ngoại. Ông cho rằng họ mang tư duy đa phương giúp khôi phục vị trí lãnh đạo của Mỹ và tăng cường quan hệ với các đồng minh.
Còn ông Đạt Nguy (Da Wei), giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế thuộc Học viện quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng hai nhân vật Blinken và Sullivan quan tâm tới quan hệ đồng minh hơn là chính sách Trung Quốc.
Đầu tuần này, ông Joe Biden đã công bố chọn một số thành viên nội các, trong đó ông Antony Blinken (cựu thứ trưởng ngoại giao thời ông Barack Obama) sẽ làm ngoại trưởng Mỹ và ông Jake Sullivan (từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Obama) làm cố vấn an ninh quốc gia.
Ông Đạt Nguy cho rằng những quan chức này sẽ xem các liên minh là ưu tiên trong chính sách đối ngoại và họ có xu hướng chỉ xem Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" thay vì là "kẻ thù toàn diện".
Tuy nhiên, ông Tôn Thành Hạo (Sun Cheng Hao), nhà nghiên cứu về Mỹ tại Viên nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc, lưu ý dù những người sẽ phục vụ trong chính quyền ông Biden (nếu ông chính thức thắng cử) đều là những gương mặt quen thuộc, không có nghĩa chính quyền ông Biden sẽ quay lại cách tiếp cận giống thời ông Obama.
"Thời thế đã thay đổi. Đối diện với di sản ngoại giao mà ông Trump để lại, có thể những gương mặt cũ này sẽ cân bằng giữa 'chủ nghĩa Trump' và việc quay lại cách tiếp cận thời Obama", ông Tôn cho rằng thái độ chống Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ sẽ vẫn "mạnh".
Thời Báo Hoàn Cầu tóm tắt nhận định của các chuyên gia Trung Quốc: "Mặc dù có thể chính quyền ông Biden sẽ không xem Trung Quốc là kẻ thù toàn diện, giới phân tích Trung Quốc cảnh báo sự thay đổi tổng thống Mỹ sẽ không thay đổi quan điểm của Mỹ, vẫn xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Đồng thời có thể chính quyền của ông Biden sẽ tìm kiếm các liên minh kiềm chế ảnh hưởng Trung Quốc ở châu Âu, châu Á và Biển Đông".
TTO - Nếu ông Joe Biden chính thức là tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại của ông sẽ nghiêng theo hướng chú trọng đa phương và trấn an đồng minh, thể hiện qua việc lựa chọn nội các.