Thời gian vừa qua, xuất hiện rất nhiều vụ các đối tượng “ngáo đá” uy hiếp, đe dọa tính mạng người dân. Mới đây nhất vào tối 21.11, một đối tượng đã dùng dao uy hiếp 3 người tại TPHCM khiến nhiều người hoang mang. Trước tình trạng này, vấn đề đặt ra là thế nào để ngăn chặn tình trạng “ngáo đá” cũng như biện pháp thoát thân khi bị đối tượng “ngáo đá” uy hiếp.
"Ngáo đá" hoành hành
Tối 21.11 vừa qua, một đối tượng tên Thái, có biểu hiện "ngáo đá" đã cầm dao đi vào cửa hàng sữa trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức (TPHCM). Lúc này, trong cửa hàng sữa có 2 mẹ con chủ cửa hàng và 2 nữ nhân viên, khi thấy đối tượng Thái, 1 nữ nhân viên đã nhanh chân chạy thoát được ra ngoài. Trong khi 3 người còn lại, không chạy thoát kịp đã bị đối tượng dùng dao đe dọa, khống chế và dùng băng keo quấn quanh người.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, công an quận Thủ Đức nhanh chóng triển khai lực lượng xuống hiện trường. Sau hơn 1 giờ vận động khuyên ngăn và bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã buộc đối tượng buông dao, đồng thời ập vào khống chế đối tượng và giải cứu được 3 con tin an toàn.
Vụ đối tượng ngáo đá khống chế 3 con tin như trên đã gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân quận Thủ Đức. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong số nhiều vụ ngáo đá trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua đã uy hiếp nhiều mạng sống của người dân. Đã có nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản... mà nguyên nhân là do các đối tượng bị ảo giác do sử dụng chất ma tuý (đối tượng “ngáo đá”) gây ra. Điển hình, ngày 18.2.2020, đối tượng Dương Quang Bình trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), là đối tượng nghiện ma tuý có biểu hiện “ngáo đá” đã tự đốt xe máy của mình rồi cầm dao định đâm anh trai. Tuy được can ngăn kịp thời, nhưng Bình vẫn tiếp tục trèo sang nhà em gái bên cạnh, rồi dùng dao đâm chết em rể là nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng (Phó Trưởng đoàn Nhà hát vũ kịch Việt Nam). Ngoài ra, còn nhiều vụ khác khi đối tượng ngáo đá leo lên cột điện, vác dao chặt chém các phương tiện lưu thông trên đường…
Giải pháp để ngăn chặn "ngáo đá"
Trao đổi với PV Báo Lao Động, thạc sĩ Vũ Thị Bền - Viện Nghiên cứu Tâm lý Người sử dụng ma túy (PSD) - cho biết, ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp có chứa Methamphetamine, một chất có khả năng tác động mạnh lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tình trạng hoang tưởng, ảo giác ở người sử dụng ma túy đá.
"Ngáo đá” là trạng thái loạn thần do sử dụng ma túy đá. Người “ngáo đá” sẽ bị mất khả năng kiểm soát cảm xúc, nhận thức và hành vi. Trong cơn “ngáo đá” xuất hiện những hoang tưởng: Bị theo dõi, bị truy hại, ghen tuông… và ảo giác (nhìn thấy những hình ảnh ghê sợ, không có thực…) nên họ dễ có những hành động gây nguy hại cho bản thân và người xung quanh" - bà Bền nói.
Theo thạc sĩ Vũ Thị Bền, trong tình huống bị người ngáo đá tấn công, uy hiếp và khống chế thì cần giữ thái độ bình tĩnh, không la hét, không van xin, kêu gào vì như vậy càng khiến người trong tình trạng ngáo đá bị kích động. Đồng thời, nạn nhân có thể giả vờ đáp ứng theo yêu cầu của người đang trong tình trạng ngáo đá đưa ra, sau đó tìm cơ hội thật sự an toàn để thoát thân.
"Mỗi người tự trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ, khoa học về kỹ năng nhận diện ma túy, hiểu biết về tác hại của các loại ma túy gây ra đối với người sử dụng và đặc biệt là cần có kỹ năng đối phó, vượt qua được những tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy. Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, toàn xã hội cùng quan tâm, đấu tranh, phòng ngừa hậu quả của hiểm họa ma túy và đặc biệt là nguy cơ từ việc sử dụng ma túy đá, góp phần giảm bớt những hậu quả từ người sử dụng ma túy đá có thể gây ra" - thạc sĩ Vũ Thị Bền cho biết.
TS Đoàn Văn Báu, Chuyên gia tâm lý tội phạm - Đại học An Ninh Nhân dân TPHCM cho rằng, giải pháp phòng chống ma tuý cần rất nhiều đồng bộ, quan trọng là cần giải pháp tận gốc. Theo đó, việc tăng cường phòng chống ma tuý thì chỉ phần ngọn thôi, còn để xử lý phần gốc thì chúng ta phải thay đổi hệ thống chính sách pháp luật, nhất là hành vi sử dụng ma tuý phải đưa vào là hành vi phạm pháp hình sự. Có như vậy, mới làm giảm nhu cầu sử dụng ma tuý, mang tính răn đe với các đối tượng mua bán và sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả phòng chống ma tuý và làm tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng trong cai nghiện. Đồng thời, các cơ quan chuyên trách về phòng chống ma túy phối hợp chặt chẽ với nhau, tăng cường phối hợp với các lực lượng quốc tế để ngăn chặn ma túy thâm nhập vào nội địa.
Vừa qua, Ban Giám đốc Công an TPHCM cũng đã chỉ đạo lực lượng công an toàn thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban ngành triển khai đồng bộ biện pháp phòng ngừa, xử lý đối tượng bị ảo giác do sử dụng chất ma tuý. Theo đó, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với các cấp, lập danh sách số đối tượng bị ảo giác do sử dụng chất ma tuý để có biện pháp quản lý, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời. Đẩy mạnh tấn công, trấn áp, bắt giữ các đối tượng, không để ma tuý vận chuyển, thẩm lậu vào địa bàn thành phố, thực hiện hữu hiệu các biện pháp làm giảm người nghiện ngoài xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cư trú, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh Karaoke, vũ trường, quán Bar… để quản lý chặt chẽ những đối tượng bị ảo giác do sử dụng chất ma tuý.
Xem thêm: odl.177658-nad-iougn-peih-yu-ad-oagn-gnout-iod-cac-nahc-nagn/taul-pahp/nv.gnodoal