Theo ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) phát hành, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam có mức tăng trưởng hàng quý mạnh mẽ, ở mức 11,6%, tính đến cuối tháng 9-2020. Đây là tốc độ tăng trưởng hằng quý cao nhất trong khu vực Đông Á mới nổi, đưa quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 65,3 tỉ USD.
Thị trường Đông Á mới nổi gồm Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Mức tăng trưởng của Việt Nam được hỗ trợ bởi sự mở rộng trong cả phân khúc trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu chính phủ của Việt Nam trong quý 3-2020 đã tăng 9,1% so với quý trước, quy mô thị trường đạt 54,7 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng lượng trái phiếu của cả nước. Tương tự, trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, tăng 26,9%, đạt 10,6 tỷ USD. Tăng trưởng hằng năm của trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 129,1% tính đến cuối tháng 9 năm nay.
Xét về khu vực, lượng trái phiếu phát hành của thị trường Đông Á mới nổi trong quý 3 năm nay đã tăng lên tới 2,2 nghìn tỉ USD, cao hơn 6,4% so với quý trước, và 39,8% so với cùng kỳ năm trước, do các chính phủ vay tiền để hỗ trợ những chương trình kích thích quy mô lớn. Tính hết tháng 9-2020, tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 18,7 nghìn tỉ USD.
Báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á cũng đã chỉ ra những tác động của COVID-19 đối với các thị trường tài chính toàn cầu và động lực của các dòng vốn.
Theo các chuyên gia Ngân hàng phát triển Châu Á, COVID-19 vẫn là rủi ro tiêu cực lớn nhất đối với thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi và triển vọng toàn cầu, nhất là khả năng có các làn sóng lây nhiễm mới, cùng với đó là các lệnh phong tỏa và những hạn chế khác đối với các hoạt động kinh tế.
Căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là một nguy cơ khác.
Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng phát triển Châu Á, ông Yasuyuki Sawada, đã có sự cải thiện trong tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu, nhưng diễn biến rất khó lường của đại dịch COVID-19 vẫn đè nặng lên triển vọng kinh tế của khu vực.
"Các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ lớn và đang tăng trưởng của khu vực có thể giúp tài trợ cho sự phục hồi hậu COVID-19 bền vững và bao trùm", ông Yasuyuki Sawada nhận định.
TTO - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% vào năm 2021.