Tối 24/11, giá mỗi đồng tiền số phổ biến nhất thế giới lên sát 19.400 USD, chỉ kém vài trăm USD so với kỷ lục xác lập năm 2017. Năm nay, Bitcoin đã tăng giá gần gấp 3, chủ yếu từ đầu tháng 9.
Diễn biến này gợi nhớ đợt tăng phi mã năm 2017. Sự điên cuồng của nhà đầu tư cá nhân đã kéo Bitcoin tăng giá 20 lần. Tuy nhiên, sau khi chạm đỉnh, bong bóng vỡ vụn, khiến Bitcoin về đáy 3.122 USD ngay năm tiếp theo.
Dù vậy, năm 2017, Bitcoin vẫn chưa sẵn sàng tham gia thị trường tài chính. Có rất ít sàn giao dịch và Bitcoin khi đó cũng không có nhiều giá trị ứng dụng. Khi đà tăng biến mất, nhà đầu tư mới cũng bốc hơi, các quỹ đầu tư mạo hiểm cạn kiệt vốn. Cả ngành tiền ảo trải qua làn sóng sa thải nhân sự.
Còn lần này, những người ủng hộ Bitcoin cho rằng tình hình đã rất khác và khả năng sụp đổ cũng thấp hơn. Điểm khác biệt đầu tiên là môi trường quản lý đã rõ ràng hơn nhiều. Các cơ quan chính phủ, như Sở thuế Mỹ và Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đều đã ra quy định quản lý tiền ảo. Việc này giúp nhiều công ty như CME Group, Intercontinental Exchange và Fidelity Investments bắt đầu cung cấp dịch vụ mua bán tài sản số.
Bitcoin đang được ứng dụng nhiều hơn hẳn trong ngành tài chính so với năm 2017. "Xét về độ phát triển của thị trường, 2017 hoàn toàn không thể so sánh được với năm nay", Ryan Selkis - CEO hãng dữ liệu tiền ảo Messari nhận xét trên Reuters, "Khi đó, thị trường phái sinh tiền ảo, tín dụng và dịch vụ ủy thác cho nhà đầu tư tổ chức gần như không tồn tại".
Sự xuất hiện của các hạ tầng mới đã giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp, từ các quỹ đến công ty đầu tư của gia đình, dễ tiếp cận hơn với tiền số. Sự tham gia của họ có thể tăng thanh khoản và giảm biến động giá cho Bitcoin.
Các nền tảng hướng đến bán lẻ cũng đang tăng cường phục vụ nhu cầu giao dịch tiền số. Doanh thu của Cash App (thuộc Square) - ứng dụng cho phép khách hàng mua và bán Bitcoin kể từ năm 2018 - đang tăng vọt. Trong quý III, khách hàng của họ đã mua 1,6 tỷ USD Bitcoin, tăng từ 555 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Tháng trước, PayPal ra mắt dịch vụ cho phép người dùng mua bán Bitcoin trực tiếp từ tài khoản của mình. Kể từ ngày 12/11, dịch vụ này sẽ áp dụng với tất cả người dùng tại Mỹ và sẽ mở rộng sang các thị trường quốc tế năm tới.
Grayscale Investments - một quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Bitcoin và các tiền số khác cũng hưởng lợi từ nhu cầu mới. Hôm 24/11, họ công bố số tài sản đang quản lý đã tăng lên hơn 10 tỷ USD, từ 5,9 tỷ USD cuối tháng 9.
Bitcoin được tạo ra tháng 1/2009 trong thời kỳ đỉnh điểm khủng hoảng tài chính và được định hình là công cụ thay thế tiền tệ do chính phủ phát hành. Bitcoin hoạt động trong mạng lưới gồm nhiều máy tính độc lập được liên kết với nhau. Tiền số này không chịu kiểm soát của bất kỳ tổ chức nào, như ngân hàng trung ương.
Nó cũng được thiết kế để giới hạn số lượng và miễn nhiễm với lạm phát. Năm nay, với việc các ngân hàng trung ương cam kết đẩy cao lạm phát, ngày càng nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thử nghiệm khả năng phòng trừ của Bitcoin.
Khi ngày càng nhiều nền tảng chính thống hỗ trợ giao dịch Bitcoin, tiềm năng phòng trừ lạm phát là nguyên nhân chính kéo giá tiền ảo lên năm nay, Dan Morehead - Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Pantera Capital cho biết. Quỹ này đã đầu tư vào tiền số từ năm 2013. "Tiền giấy đang mất giá. Bitcoin thì không", ông nói. Dù vậy, tiềm năng này cũng khó đong đếm, do lạm phát tại Mỹ nhiều năm qua vẫn chưa đạt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Đà tăng của Bitcoin đã hấp dẫn nhiều cái tên nổi tiếng, từ các tỷ phú Wall Street như Tudor Jones và Stanley Druckenmiller đến các nhà đầu tư theo xu thế - kiếm lời khi giá tăng cao. Sự tham gia của họ lại càng kéo giá lên. Năm 2017, khi Bitcoin trở thành hiện tượng, phần lớn sự hưng phấn đến từ những lời truyền miệng.
Năm nay, dù đã có nhiều cải thiện về cấu trúc thị trường và độ nhận diện trên thị trường chính thống, Bitcoin vẫn là tài sản có biến động giá lớn. Lĩnh vực tiền số vẫn chưa minh bạch và được quản lý chặt như các thị trường tài chính truyền thống. Số liệu giao dịch cũng mù mờ và lo ngại thị trường bị thao túng vẫn tràn lan.
"Nói ngắn gọn, đây vẫn là một thị trường rủi ro và một tài sản rủi ro", Colin Platt - một tư vấn viên tiền ảo cho biết. Và trên hết, Bitcoin vẫn hiếm khi được sử dụng theo đúng mục đích ban đầu.
"Chẳng có gì đảm bảo Bitcoin sẽ được sử dụng rộng rãi trong vài trò "tiền", nếu xét đến chi phí đào, sử dụng tiền ảo này, cũng như sự dễ dàng thanh toán bằng thẻ hay smartphone ngày nay", Russ Mould - Giám đốc đầu tư tại AJ Bell cho biết.
Tuy nhiên, những rủi ro này không ngăn được những người như Wayne Sharp - một tư vấn viên đầu tư đã nghỉ hưu tại Ohio (Mỹ). Bà mua Bitcoin lần đầu vào tháng 9 với 10.000 USD. Bà tin vào khả năng phòng trừ lạm phát của Bitcoin, cũng như ngưỡng mộ các nhà đầu tư như Tudor Jones.
Sharp thừa nhận việc mua vào này là đầu cơ, nhưng bà đã quá mệt mỏi với việc chứng kiến các khoản đầu tư an toàn, giá trị dần đi xuống. Bà mới chỉ bỏ một phần nhỏ tài sản vào tiền số và cho biết sau này có thể mua thêm. "Tôi tự nhủ rằng ‘Mặc kệ nó, cứ làm đi’", bà nói.
Hà Thu (theo WSJ, Reuters)