vĐồng tin tức tài chính 365

Phải làm gì khi cha bạo hành mẹ?

2020-11-26 01:31

Luật sư tư vấn

Trước tiên, ở vị trí một người con trong gia đình, bạn nên có cuộc trò chuyện thẳng thắn để cha nhìn nhận lại hành vi sai trái. Nếu sau khi đã trao đổi, kể cả đưa ra lời khuyên mà ông vẫn tiếp tục có hành vi trên thì bạn nên nhờ pháp luật can thiệp.

Theo như bạn nói, ngoài việc chửi mắng, cha bạn còn đánh đập mẹ bạn với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, đây là hành vi bạo lực gia đình.

Trường hợp phát hiện, chứng kiến hành vi bạo lực của cha, bạn phải báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc UBND cấp xã, hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố...) nơi xảy ra bạo lực. Các cơ quan này có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình (Điều 18 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007).

Hành vi đánh đập, xâm hại sức khỏe của thành viên gia đình có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi xâm hại sức khỏe của thành viên gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền 1-1,5 triệu đồng. Nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích sẽ bị phạt 1,5-2 triệu đồng.

Đồng thời, theo Điều 43 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, thì người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình (nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục vi phạm (nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Nếu cha bạn không thể thay đổi tính cách, vẫn tiếp tục thực hiện hành vi đánh đập mẹ sau khi đã bị áp dụng các biện pháp trên, thậm chí đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bạn nên khuyên mẹ bạn ly hôn khi cảm thấy việc tiếp tục sống chung khiến mẹ bạn bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Việc ly hôn đối với mẹ bạn có thể khó khăn, có thể vì lý do để cho bạn có một gia đình đủ cả cha lẫn mẹ, hoặc mẹ bạn sợ mọi người dị nghị. Nhưng dù với lý do nào, bạn cũng nên động viên tinh thần, khuyên mẹ bạn nên ly hôn nếu không thể tiếp tục chung sống với cha bạn.

Theo đó, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình (Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Luật sư Huỳnh Ái Chân

Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha

Xem thêm: lmth.3156914-em-hnah-oab-ahc-ihk-ig-mal-iahp/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phải làm gì khi cha bạo hành mẹ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools