Sau nhiều lần dò giá qua nhiều kênh khác nhau, sáng 24-11, anh Ngô Thanh Hùng (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) mới gọi được thương lái vào vườn mua 4 tấn thanh long đang chín. Do vườn thanh long của anh Hùng có tỉ lệ trái cồ (loại gần 0,5 kg/trái trở lên) khoảng 70% nên chỉ bán được giá 5.500 đồng/kg. "Mới gần tháng trước, thanh long nghịch vụ vẫn bán được khoảng 20.000 đồng/kg. Vậy mà bây giờ xuống nhanh quá. Nông dân chúng tôi không biết đâu mà lần" - anh Hùng buồn bã.
Chi phí sản xuất trái vụ tăng, trong khi giá bán trồi sụt khiến người trồng thanh long lo lắng
Theo nhiều thương lái tại địa phương, giá thanh long trong gần 1 tháng qua giảm mạnh. Cụ thể, nếu như đầu tháng 11-2020, giá của loại trái cây xuất khẩu chủ lực này vẫn còn ở mức 18.000-22.000 đồng/kg thì từ ngày 12 đến 15-11, giá chỉ còn dưới 15.000 đồng/kg. Trong tuần qua, giá thanh long lại tuột dốc thê thảm, khi chỉ bán được 5.000-7.000 đồng/kg.
Anh Lê Văn Thuận, thương lái tại huyện Hàm Thuận Nam, cho biết giá thanh long giảm mạnh là do nguồn cung trên thị trường đang dồi dào. Theo đó, từ đầu vụ chong đèn (cuối tháng 8) đến nay, thanh long luôn có các lứa chín gối đầu, không bị đứt đoạn nguồn cung. Hầu hết các vườn chiếu đèn trái vụ đều cho năng suất ổn định nên thanh long chín đều ở nhiều nơi. "Bên cạnh nguồn cung đang nhiều, các chủ vựa cũng hạn chế mua hàng, đặc biệt là với những trái thanh long sử dụng thuốc trừ nấm bệnh bị lan sang trái chín do khó bán" - anh Thuận nói.
Còn theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long vẫn là Trung Quốc nên khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này biến động thì giá thanh long cũng trồi sụt theo. "Giá thanh long thấp do tình hình nấm bệnh đang khá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, gần đây thị trường Trung Quốc tiêu thụ có phần chậm lại cũng ảnh hưởng đến giá thu mua" - ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, phân tích.
Theo nhiều người trồng thanh long, giá bán 5.000-7.000 đồng/kg chỉ bằng một nửa chi phí sản xuất. Bởi trong mùa chong đèn nghịch vụ, chi phí về điện chiếu sáng, phân, thuốc, công chăm sóc đều cao so với vụ bình thường.
"Nhiều năm nay, các vụ thanh long chong đèn đều có giá bán không ổn định. Như năm ngoái, có lúc giá lên đến gần 30.000 đồng/kg nhưng có lúc tụt xuống dưới 5.000 đồng/kg. Khi giá cao, nhiều người đổ xô chong đèn, đến lúc thu hoạch rộ, hàng dội chợ khiến giá bán giảm" - ông Nguyễn Văn Nam (hộ trồng thanh long tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam) nêu thực tế.
Được biết, diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận lớn nhất cả nước, với hơn 30.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm trên 550.000 tấn. Thanh long ở đây tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi, trong đó nội địa chiếm khoảng 20%, còn lại xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỉ lệ rất thấp (2%-3% sản lượng), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu.
Xem thêm: mth.75245331252110202-taux-nas-ihp-ihc-aun-tom-gnab-ihc-uv-hcihgn-gnol-hnaht-aig/et-hnik/nv.moc.dln