Du học sinh quốc tế tại New Zealand. Phụ huynh cũng như học sinh, sinh viên cần chuẩn bị kỹ nếu có ý định đi du học - Ảnh: MINH GIẢNG
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về con đường du học, Tâm nói: "Đời du học sinh không chỉ có màu hồng như nhiều người nghĩ. Thực tế có rất nhiều khó khăn mà người học phải đối diện trong suốt thời gian du học nơi đất khách".
Tôi mong mỗi bậc phụ huynh, mỗi bạn học sinh, sinh viên trước khi đi du học phải có câu trả lời cho mình. Đừng du học theo thời, theo bạn bè, càng đừng đi du học vì áp lực của ai cả.
LÊ THIÊN TÂM
"Chưa biết bơi đã qua sông"
* Có nhiều kinh nghiệm trong du học và hỗ trợ giới trẻ du học, Tâm nhắn gửi điều gì với những phụ huynh muốn con mình ra nước ngoài học tập?
- Với cha mẹ đang muốn gửi con đi du học, tôi mong họ hãy nói chuyện với con như những người lớn. Hãy hỏi con có thích và muốn đi du học hay không, quan trọng hơn là con đã sẵn sàng xa gia đình hay chưa. Nếu con không muốn, không thích, chưa sẵn sàng thì đừng ép. Còn nếu con muốn đi và thích đi thì mọi chuyện còn lại không quá khó. Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu các lựa chọn khác nhau và bàn bạc cùng con xem lựa chọn nào là phù hợp với con (về mặt tính cách, sở thích, nguyện vọng). Đừng dùng "quyền" phụ huynh để áp lên con cái.
Quan trọng hơn nữa là hãy chuẩn bị cho con sự tự lập và tự tin nhất định cũng như sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần để con lên đường. Đừng bao giờ để con rơi vào tình trạng chưa biết bơi mà phải băng qua sông. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng dành dụm tiền cả đời, làm lụng cật lực để con cái được sung sướng - mà một trong những cái sung sướng là được đi du học - vì vậy bổn phận con cái là phải học cho giỏi. Còn chuyện học gì, học ở đâu đã có cha mẹ, các công ty du học, trường học lo. Cũng có nhiều phụ huynh nghĩ rằng cứ cho con đi du học thì tự khắc con sẽ học được tính tự lập, tự tin...
Nhưng cha mẹ quên mất rằng trong mười mấy năm trước khi tiễn con ra sân bay đi du học họ đã bao bọc con quá trong trường chuyên lớp chọn, trong các lớp học thêm, trung tâm ngoại ngữ... Đến nỗi nhiều bạn không biết xài tiền, đi xe máy, nấu một nồi cơm, không biết tự thức dậy vào buổi sáng. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng gửi con sang ở cùng người thân thì sẽ có người thân lo lắng, chăm sóc, dòm ngó... Thế nhưng, ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, ai cũng có cuộc sống riêng và ai cũng có những mối lo cơm áo gạo tiền. Có thương yêu cách mấy cũng không thể chăm lo được cho con mình như mình kỳ vọng. Chỉ có cách các bạn phải tự lập mà thôi.
* Còn với những bạn trẻ mong muốn đi du học thì sao?
- Với các bạn đang muốn đi du học, cho dù là bậc học nào, mong các bạn hãy chủ động với kế hoạch học tập của mình. Bạn có thể hỏi người này người kia để tham khảo thêm. Nhưng nhất định bạn phải chủ động tìm hiểu thông tin và rút ra chính kiến riêng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đừng bao giờ nghe thông tin từ một nguồn, phải kiểm tra từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ từ website của nhà trường, của các cơ quan chính phủ, thành phố nơi mình chọn đến du học, các diễn đàn, hội nhóm của cộng đồng sinh viên và người Việt đã có kinh nghiệm học tập, làm việc ở thành phố, địa phương mà mình quan tâm...
Lê Thiên Tâm
Tránh áp lực tài chính đè nặng
* Nhiều người cho rằng có thể vừa học vừa làm thêm trong thời gian du học để trang trải chi phí, Tâm nghĩ sao?
- Tôi cho rằng hãy chuẩn bị đủ tài chính cho suốt thời gian bạn đi học. Nếu tìm được việc làm thêm thì tốt, còn không thì bạn vẫn có thể yên tâm học hành và phát triển bản thân. Cho tới thời điểm này nhiều nước như Úc, Mỹ, Canada, New Zealand đều có chế độ visa cho phép làm việc sau khi tốt nghiệp. Nên sau khi tốt nghiệp bạn có thể ở lại thêm một thời gian để đi làm, lúc đó bạn lo tìm việc cũng không muộn.
Đặc biệt với những bạn định đi học bậc đại học và sau đại học, cho dù đa số các nước đều cho phép đi làm thêm thì bạn cũng đừng bao giờ để mình bị áp lực tài chính đè nặng trong thời gian đi học, tức là ở vào thế phải đi làm thì mới có đủ chi phí sinh hoạt.
* Chị có từng vừa làm vừa học, nó ảnh hưởng thế nào đến việc học?
- Tôi đi học toàn thời gian và đi làm khoảng 15 tiếng/tuần. Công việc là làm trợ giảng ở trường, 15 tiếng/tuần là thời gian trung bình tôi vừa đi dạy vừa chấm bài. Tôi không tốn thời gian đi lại vì công việc giảng dạy ở ngay trong trường. Tuy được phép đi làm toàn thời gian nhưng chỉ với 15 tiếng/tuần mà bản thân mình cảm thấy khá "đuối". Không phải làm không nổi nhưng mình phải hi sinh rất nhiều sở thích cá nhân. Ví dụ như mình không còn thời gian để đọc truyện, xem phim, học thêm những môn khác.
Vì vậy các bạn phải rất thực tế với khả năng và kỹ năng của mình. Các bạn có thể nghĩ được đi làm 20 tiếng/tuần, hoặc được đi làm toàn thời gian thì sẽ có tiền đủ để trang trải chi phí. Nhưng thực tế lại không hẳn là "màu hồng" như vậy. Nếu các bạn muốn học chỉ để đạt điểm qua 50% thì không vấn đề gì lớn. Nhưng nếu các bạn muốn học để điểm khá khá một tí, ví dụ như B+ trở lên, thì đi học toàn thời gian và đi làm 20 tiếng/tuần sẽ khá là vất vả.
Hòa nhập văn hóa địa phương
* Nhiều người học xong muốn ở lại làm việc. Theo Tâm, đâu là những bước chuẩn bị cho quá trình tìm việc sau tốt nghiệp?
- Thông thường, các thành phố có những chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế sẵn sàng cho hành trình tìm việc miễn phí. Và các trường ĐH đều có trung tâm hướng nghiệp cung cấp các dịch vụ miễn phí cho sinh viên của trường, như hướng dẫn làm hồ sơ ứng tuyển, cách trả lời phỏng vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Các bạn hãy cố gắng tận dụng những nguồn hỗ trợ này.
Và một điểm nữa mình muốn nhấn mạnh là phải xây dựng mối quan hệ và phải hòa nhập vào cộng đồng bản địa ở đây. Nếu muốn có một cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, các bạn nên chủ động gầy dựng mối quan hệ, có thể từ các công việc bán thời gian hoặc tham gia những hoạt động tình nguyện. Ngoài việc xây dựng mối quan hệ hữu hiệu thì đây cũng là cách để hòa nhập vào văn hóa của người địa phương.
TTO - Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong những nước có sinh viên du học tại Mỹ, với 23.777 sinh viên ở bậc đại học trong năm học 2019-2020. Sinh viên Việt Nam đóng góp 827 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm học này.