- Bí mật mỏ Uranium chế ra bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản
- Khoảnh khắc vụ nổ "như bom nguyên tử" ở Lebanon
- Tấn công mạng và nguy cơ phóng bom nguyên tử
Tuyển dụng Velarde
Mùa hè năm 1945, hai quả bom nguyên tử đã phá hủy Hiroshima và Nagasaki đưa nước Mỹ vào vị trí chủ sở hữu duy nhất một loại vũ khí có sức mạnh khủng khiếp. Chỉ 4 năm sau, vào năm 1949, Liên Xô cho nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình. Anh (1952) và Pháp (1960) tiếp bước theo sau. Đầu thập niên 1960, câu lạc bộ nguyên tử chỉ có 4 quốc gia thành viên.
Tướng Agustín Munoz Grandes (phải), Phó Tổng thống Tây Ban Nha từ năm 1962 đến năm 1967. |
Và sau đó Tây Ban Nha nhìn thấy cơ hội để trở thành quốc gia thành viên thứ 5. Vị thế một cường quốc nguyên tử sẽ cho phép Tây Ban Nha có được vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và do đó có quyền phủ quyết. Vào thời điểm đó, 4 trong số 5 quốc gia thành viên thường trực đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng sở hữu kho vũ khí nguyên tử.
Năm 1963 phó tổng thống Tây Ban Nha lúc bấy giờ là Agustín Munoz Grandes ủy quyền thực hiện phân tích tính khả thi về kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của nước này cho José María Otero Navascués - người giữ chức Chủ tịch JEN (Ủy Ban Năng lượng Hạt nhân Tây Ban Nha), cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát thực tế tất cả các hoạt động liên quan đến năng lượng nguyên tử.
Ngoài việc là một quân nhân, Otero còn là một người nổi tiếng về khoa học. Chuyên về quang học, ông là người đầu tiên mô tả một dị tật về thị lực được gọi là cận thị về đêm, khả năng tập trung suy giảm trong điều kiện ánh sáng yếu.
Điều này xảy ra vào năm 1942, giữa cuộc xung đột thế giới và gây ra những hậu quả không ngờ cho cả hai bên: người Đức đã sửa đổi thiết kế kính tiềm vọng của một số tàu ngầm để cải thiện khả năng sử dụng vào ban đêm, và về phía Đồng minh, điều tương tự cũng được thực hiện với ống nhòm và thiết bị quang học.
Guillermo Velarde. |
Otero chú ý đến Guillermo Velarde, người đã từng là thành viên của bộ phận Vật lý lý thuyết của JEN trong vài năm. Velarde ở Mỹ với nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế lò phản ứng hạt nhân để sản xuất năng lượng điện. Lúc đó Velarde đang làm việc tại công ty Atomics International nghiên cứu lò phản ứng nước nặng mà JEN hy vọng một ngày nào đó sẽ lắp đặt ở Tây Ban Nha.
Theo lời kêu gọi của Otero, Velarde trở về Tây Ban Nha năm 1963 và dành 2 năm tiếp theo để thực hiện một nghiên cứu kỹ lưỡng bao gồm các dự án khác nhau: chế tạo vũ khí, lò phản ứng và nhà máy tinh chế vật liệu phân hạch. Mọi thứ đều được vạch kế hoạch chu đáo nhất. Nhưng, Velarde từ chối đóng dấu dự án là "tuyệt mật" vì tin rằng điều này sẽ khơi dậy sự tò mò của mọi người - và sẽ tốt hơn nếu các báo cáo trông giống như các trang tính toán đơn giản. Quả bom ở Hiroshima đã sử dụng uranium; và quả bom phá hủy Nagasaki sử dụng plutonium.
Tây Ban Nha có trữ lượng quặng uranium ở Badajoz và Salamanca, nhưng việc làm giàu đến độ tinh khiết trên 90% là một quá trình rất phức tạp đòi hỏi cơ sở vật chất khổng lồ và rất tốn kém. Ngoài chi phí khổng lồ, sẽ rất khó để giữ bí mật việc xây dựng một cơ sở hạ tầng quy mô như vậy.
Plutonium là một sự thay thế khả thi hơn. Không có nước ngoài nào sẽ cung cấp plutonium cấp quân sự cho Tây Ban Nha, nhưng nó có thể được lấy dưới dạng cặn từ nhiên liệu được sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân được dự kiến trong nghiên cứu. Nhà máy chế biến sẽ cho phép tách một lượng nhỏ plutonium khỏi phần còn lại của các thanh uranium để tạo thành nhiên liệu.
Otero đặt tên cho kế hoạch là "Dự án Islero" - lấy theo tên của con bò đực đã giết chết võ sĩ đấu bò tót lừng danh Manolete năm 1947. Có lẽ bởi vì Velarde tin rằng chương trình này cũng sẽ giết chết ông "một cách bất đắc dĩ". Đến tháng 12-1964, nghiên cứu kết thúc. Nó bắt đầu với một vài trang tóm tắt cho những người chưa thạo công nghệ, sau đó là chi tiết của hoạt động.
Năm bản sao được thực hiện với danh sách phân phối rất hạn chế bao gồm Tướng Quốc trưởng Franco, Phó tổng thống Munoz Grandes, và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Gregorio López Bravo. Sau khi xác nhận bắt buộc đã nhận, không còn bất kỳ phản ứng nào nữa, và dự án đã bị trì trệ trong hơn một năm.
Khu vực Palomares thuộc khu tự trị Andalusia
Ngày 17-1-1966, máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ mang theo vũ khí nhiệt hạch đã va chạm với máy bay chở nhiên liệu trên không phận thị trấn Palomares, khiến 7 người thiệt mạng và làm rơi 4 quả bom nhiệt hạch. Hai trong số 4 quả bom này đã rơi gần khu vực Palomares, phá hủy và gây ô nhiễm phóng xạ cho khu vực địa phương.
Tướng Franco lãnh đạo Tây Ban Nha trong giai đoạn 1939-1975. |
Vụ việc đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng và dẫn tới việc cấm các chuyến bay mang vũ khí hạt nhân của Mỹ ở không phận châu Âu và Địa Trung Hải. Tạp chí Time của Mỹ đã liệt vụ đụng độ trên vào danh sách những vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất (theo một thỏa thuận đã kết thúc hồi năm 2010, Washington phải chi 350.000 USD/năm để làm xét nghiệm ô nhiễm tại khu vực này cũng như để tiến hành thử máu định kỳ cho hơn 1.000 cư dân Palomares).
Do hậu quả của thảm họa, JEN cử Velarde đến Palomares với nhiệm vụ nghiên cứu các hoạt động dọn dẹp do quân đội Mỹ thực hiện. Ở đó, Velarde phát hiện ra một số "viên đá đen" - thực ra là tàn tích của Styrofoam. Đối với một chuyên gia như Velarde, đây là một phát hiện quý giá: đó là vật liệu làm đầy quả bom và tách hai thành phần của nó - bộ khởi động và vỏ bom nhiệt hạch.
Trong những tuần tiếp theo, Velarde thực hiện một loạt các tính toán và mô phỏng có tính đến khám phá đó. Velarde có thể suy ra một trong những bí mật được giữ kín nhất của Chiến tranh Lạnh: cơ chế phát nổ của bom khinh khí.
Vật liệu nung chảy là hỗn hợp của deuterium và tritium tạo ra phản ứng, áp suất khổng lồ và nhiệt độ hàng triệu độ được yêu cầu, tương tự như những vật liệu tồn tại bên trong Mặt trời. Chúng được sử dụng làm ngòi nổ một quả bom phân hạch tương tự như quả bom ném xuống Nagasaki.
Ngay sau đó, chính Franco đã gặp Velarde để trao đổi quyết định không thực hiện kế hoạch vũ khí hạt nhân. Theo ý kiến Franco, các cơ quan tình báo Mỹ sớm muộn gì cũng sẽ phát hiện ra và ông không muốn phải chịu các lệnh trừng phạt mà nền kinh tế Tây Ban Nha mỏng manh không thể chịu đựng được.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha Gregorio López Bravo (trái). |
Bảy năm trôi qua, năm 1973 Henry Kissinger đến Tây Ban Nha để gặp Thủ tướng Carrero Blanco, người đã đưa cho ông một bản báo cáo dài vài trang về "Dự án Islero", với hy vọng chính phủ Mỹ không phản đối nhiều. Có thể Kissinger đã biết hoặc có thể không.
Hai mươi bốn giờ sau, cuộc tấn công khủng bố diễn ra kết thúc cuộc đời của Carrero Blanco và đe dọa phá vỡ vị trí cầm quyền của Franco (lãnh đạo tối cao Tây Ban Nha từ năm 1939 đến 1975). Carrero Blanco bị ám sát bởi các thành viên của tổ chức khủng bố ETA (Quê hương Basque tự do) tạo cơ hội cho việc chuyển đổi sang nền dân chủ Tây Ban Nha.
Năm 1974, Guillermo Velarde, lúc đó là giáo sư Vật lý hạt nhân Đại học Bách khoa Madrid (UPM), nhận được một tin bất ngờ: tân thủ tướng Arias Navarro quyết định hồi sinh "Dự án Islero". Một nghiên cứu khác phải được thực hiện và chuẩn bị một tài liệu khác.
Lần này cụ thể hơn nhiều, vì nó đã bao gồm ngân sách và mục tiêu: sở hữu kho vũ khí gồm 36 quả bom phân hạch, mỗi quả 20 kiloton. Tám trong số chúng sẽ được dành làm nhân tố khởi xướng cho tương lai Tây Ban Nha - và bây giờ là các thiết bị nhiệt hạch tưởng tượng. Tất cả những điều này sẽ sẵn sàng trong vòng 6 năm.
Thủ tướng Tây Ban Nha Carlos Arias Navarro (phải) cùng Phó Tổng thống Iraq lúc đó là Saddam Hussein thăm chính thức Tây Ban Nha năm 1974. |
Lệnh này không khiến các kỹ thuật viên Tây Ban Nha mất cảnh giác. Trong những năm đó, họ đã đạt được những tiến bộ quan trọng, chẳng hạn như nghiên cứu làm giảm số lượng ngòi nổ trong bom plutonium. Các nguyên mẫu đầu tiên của Mỹ đã sử dụng hơn ba mươi ngòi nổ, với những khó khăn là làm sao để có được sự đồng bộ chính xác. Nhóm của Velarde đưa ra kế hoạch chỉ cần 4 ngòi nổ (hai ngòi nổ cũng đã được thử nhưng không hiệu quả). Và vật liệu phân hạch?
Vào thời điểm đó, nhà máy điện Vandellós I ở Tarragona đã đi vào hoạt động. Mặc dù uranium được sử dụng chỉ có nồng độ 5%, một lượng nhỏ plutonium vẫn còn trong các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, là kết quả của hoạt động bình thường của lò phản ứng. Chỉ cần xử lý 10% chất thải phóng xạ có thể thu hồi đủ plutonium để chế tạo khoảng 5 quả bom mỗi năm.
Sự kết thúc của Islero
Chương trình mới cũng không tiến xa. Chính quyền tổng thống Mỹ Jimmy Carter (1977- 1981) tiếp tục nhấn mạnh rằng Tây Ban Nha cần phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), mà nước này đã từ chối ký từ thời Franco. Năm 1974, một báo cáo mới được giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) xác định Tây Ban Nha là "quốc gia châu Âu duy nhất có lợi ích và năng lực" tham gia câu lạc bộ nguyên tử.
Cuốn sách “Dự án Islero: Khi Tây Ban Nha có thể phát triển vũ khí hạt nhân” của Guillermo Velarde giải thích sự phát triển của lực lượng răn đe hạt nhân diễn ra ở Tây Ban Nha từ năm 1963 đến năm 1966 và từ năm 1974 đến năm 1978. |
Năm 1981, Thủ tướng Tây Ban Nha Calvo Sotelo chấp nhận áp dụng các biện pháp bảo vệ do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thiết lập, ngụ ý cho phép sự hiện diện của các thanh sát viên tại tất cả các cơ sở hạt nhân để xác minh rằng các ứng dụng quân sự không được phát triển. Đó là pha dứt điểm của "Dự án Islero". Năm 1987, Tây Ban Nha cuối cùng đã chấp nhận việc tuân thủ NPT. Ngày nay, chỉ có Israel, Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên là không ký NPT - 4 quốc gia sở hữu ước tính khoảng 400 vũ khí hạt nhân.
Duy Minh (tổng hợp)Xem thêm: /738026-tot-ob-ux-auc-ut-neyugn-mob-hcaoh-ek-yah-orelsI-na-uD/gtna-ueil-uT/nv.moc.dnac.gtna