"Với thị trường gần 100 triệu dân và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, tôi cho rằng fintech tại Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ trống. Tôi không lo ngại về việc có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp trên thị trường bởi mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng để phát huy. Tôi cho rằng, đối thủ cạnh tranh chính của fintech hiện nay chính là tiền mặt. Trên thực tế, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay không đáng kể".
Ông Nam nêu rõ, tiền mặt là "đối thủ" cạnh tranh lớn nhất hiện nay, bên cạnh những yếu tố như công nghệ, nguồn lực... Để vượt qua thách thức này, theo ông Nam, các doanh nghiệp cần thực sự tập trung vào nhu cầu của khách hàng.
"Những bạn trẻ hiện nay, đặc biệt ở Việt Nam dành rất nhiều thời gian trên điện thoại, họ làm việc bằng điện thoại, giải trí trên điện thoại... Do vậy, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để dần dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử và fintech".
"Đó là lý do ngay từ những ngày đầu, thậm chí trước khi hợp tác với Grab, chúng tôi đã tập trung vào thị trường taxi, F&B... Bởi mọi người di chuyển, ăn uống hằng ngày. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp cũng có thể đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên thói quen của người tiêu dùng và vượt qua thách thức về tiền mặt", đại diện Moca chia sẻ.
"Thị trường không tiền mặt" của Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh
Trả lời câu hỏi của ông Marcin Miller - Phó Tổng Giám đốc McKinsey Việt Nam về vấn đề phải mất bao lâu để Việt Nam có thể cơ bản vượt qua thách thức này, ông Trần Thanh Nam khẳng định sẽ rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19.
Lý giải về điều này, ông Nam đưa ra hai ví dụ về những thay đổi lớn và nhanh chóng của Việt Nam. Đầu tiên là thay đổi thói quen của người tham gia giao thông Việt Nam bằng việc đội mũ bảo hiểm. "Đây là minh chứng cho sự thay đổi nhanh chóng về thói quen của người Việt Nam, và điều này được thúc đẩy bởi Chính phủ".
Ví dụ thứ hai là thói quen đặt đồ trên mạng. "Đây cũng là một sự thay đổi lớn về thói quen tiêu dùng của người Việt trong 5 năm trở lại đây. Điều này được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp startup như Uber, Grab...".
Cuối cùng, ông kết luận, nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab hiện nay chiếm đến 43%. Đặc biệt, đối với dịch vụ GrabMart, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%. "Những con số này là minh chứng rằng thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh".
Q.L
Nhịp sống kinh tế