vĐồng tin tức tài chính 365

Ví điện tử mới tìm cách chen vào thị trường

2020-11-26 10:17

Ví điện tử mới tìm cách chen vào thị trường

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Người dùng  Việt Nam đang dần quen với khái niệm ví điện tử, nhưng đó cũng là điểm khó cho những ứng dụng ví điện tử hay giải pháp trung gian thanh toán mới đang tìm cách gia nhập thị trường, nếu không có hệ sinh thái hỗ trợ đứng đằng sau. PayME là một ví dụ điển hình như thế.

Ông Lê Hoàng Gia, Tổng giám đốc PayME. Ảnh: BTC

Mới đây, thương hiệu Ví điện tử PayME công bố chính thức hoạt động, tham gia vào thị trường thanh toán đang “nóng” và khốc liệt thông qua hai mảng kinh doanh quan trọng là nền tảng ví điện tử mở (Open e-wallet) và thanh toán mạng xã hội (Social Payment).

“Ví điện tử mở” được xem là trọng điểm kinh doanh trong mô hình B2B2C của PayME, hướng đến khách hàng là các doanh nghiệp, đặc biệt các thương hiệu đã đạt số lượng người dùng nhất định.

Giải pháp này được quảng bá là cho phép doanh nghiệp tích hợp, tự quản lý ví điện tử do PayME thiết kế riêng, từ đó khách hàng có thể sử dụng ứng dụng của thương hiệu như một ví tiền di động, bao gồm cả thanh toán hóa đơn các dịch vụ khác, như điện, nước, bán lẻ, bảo hiểm...

Trong tương lai, PayME hướng đến xây dựng PayME Net, một mạng lưới kết nối các nhà cung cấp, dịch vụ tài chính với khách hàng. Theo đó, doanh thu của PayME sẽ đến từ việc chia sẻ doanh thu với các đơn vị tài chính này, hơn là từ các phí giao dịch thanh toán.

Bên cạnh mô hình kinh doanh trọng điểm là ví điện tử mở, Payme còn nhấn mạnh vào lĩnh vực thanh toán cho hoạt động mua sắm trên mạng xã hội (Social Commerce), một khái niệm hiểu đơn giản là sự kết hợp giữa Social media (Mạng xã hội) và Ecommerce (Thương mại điện tử).

Đánh giá của PayME cho thấy sự phát triển của thương mại trên mạng xã hội, thương mại đối thoại cho thấy mỗi tương tác, mỗi cuộc hội thoại đều có thể trở thành giao dịch giữa người mua và người bán. Theo báo cáo “Conversational Commerce – the next gen of E-com” (do BCG và Facebook thực hiện) tại Đông Nam Á vào năm 2019, có 45% người dùng tham gia cuộc khảo sát cho biết họ mua sắm trực tuyến (online) lần đầu tiên qua cuộc trò chuyện với người bán.

Hiện nay, rất nhiều công nghệ tự động hóa được phát triển, tích hợp trên mạng xã hội để hỗ trợ các giao dịch như chatbot, livestream, hay quản lý đơn hàng,… Thanh toán cũng là một trong những bước đặc biệt quan trọng để khách hàng đi đến quyết định chốt đơn hàng.

Theo đó, PayME tích hợp chức năng cho phép người gửi và người nhận tiền, ví dụ cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội thực hiện các lệnh thanh toán ngay trong bất kỳ một cuộc hội thoại nào, không cần mở ứng dụng thanh toán, không cần biết số tài khoản, số điện thoại.

“Các giải pháp của PayME giúp doanh nghiệp và người dùng thực hiện giao dịch thanh toán ngay trên môi trường của nền tảng tương tác, từ ứng dụng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram… đến ứng dụng của riêng thương hiệu, từ đó mở ra các cơ hội tăng trưởng”, ông Lê Hoàng Gia, Tổng giám đốc PayME chia sẻ về hướng đi riêng giữa thị trường có nhiều thương hiệu Ví điện tử đang hoạt động và đang dần định hình rõ ràng hơn.

Cũng theo ông Gia, hiện PayME đang làm việc với khoảng 10 đối tác cho các giải pháp thanh toán mạng xã hội và ví điện tử mở, đều là những doanh nghiệp có nền tảng người dùng đông đảo, nhưng chưa tiết lộ cụ thể.

PayME vốn có nền tảng trước đây là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nội dung số cho di động có thâm niên hoạt động. Theo ông Gia, vòng đời một sản phẩm dành cho di động khá ngắn là một trong những lý do thúc đẩy đội ngũ lãnh đạo “khởi nghiệp” ở lĩnh vực thanh toán.

Xem thêm: lmth.gnourt-iht-oav-nehc-hcac-mit-iom-ut-neid-iv/590113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ví điện tử mới tìm cách chen vào thị trường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools