Quy định ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế: Cần giải thích rõ cho dân
Nguyễn Vũ
(TBKTSG Online) - Chỉ khi nào cá nhân kinh doanh bị điều tra, thanh tra về thuế ở mức độ mà người đứng đầu cơ quan thuế phải gởi công văn đề nghị thì thông tin giao dịch mới được ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế. Thiết nghĩ trước khi Nghị định 126 có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm cần giải thích rõ để người dân yên tâm và tránh những xáo động không đáng có.
Nghị định 126 sẽ góp phần tạo dựng một hành lang pháp lý để quản lý thuế, đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ xuyên biên giới. Ảnh minh họa: Nhân Tâm. |
Ở nước ngoài, những người cung cấp dịch vụ như làm móng tay, hớt tóc, trang điểm thích được trả bằng tiền mặt vì không thanh toán qua tài khoản ngân hàng thì khỏi khai và nộp thuế. Ngược lại, mọi giao dịch qua ngân hàng có giấy tờ thì họ đều phải khai rõ khi làm hồ sơ nộp thuế thu nhập cá nhân hàng năm.
Điều đó cho thấy cơ quan thuế ở nước ngoài có quyền nắm thông tin trên tài khoản của người nộp thuế nhưng thực tế cho thấy rất ít khi cơ quan thuế trực tiếp yêu cầu ngân hàng thông báo số dư tài khoản của người dân chỉ vì mục đích kiểm tra thuế. Chỉ có một số trường hợp điều tra trốn thuế quy mô lớn thì lúc đó ngân hàng thương mại thường có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận một thực tế: có thu nhập chịu thuế thì phải kê khai và nộp thuế đầy đủ. Và khi chấp nhận thực tế này rồi, việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản… cho cơ quan thuế cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên ở đây cần làm rõ một số điểm. Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế (Nghị định 126) phân biệt rõ hai trường hợp: việc cung cấp và sau đó cập nhật hàng tháng chỉ áp dụng cho các thông tin gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở và đóng tài khoản.
Đây hầu như là các thông tin mà cá nhân có kinh doanh hay có cung ứng dịch vụ đều công khai. Ngược lại việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch… chỉ xảy ra khi thỏa mãn hai điều kiện: có đề nghị của thủ trưởng cơ quan thuế và yêu cầu này nhằm phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp hay để cưỡng chế việc nộp thuế.
Như vậy có thể tạm kết luận với đại đa số người dân có tài khoản ngân hàng, Nghị định 126 không ảnh hưởng gì. Chỉ với những ai có kinh doanh, tức có mã số thuế do cơ quan thuế cấp thì cơ quan thuế mới nắm số tài khoản do ngân hàng cung cấp; không cung cấp các số liệu cần bảo mật như số dư, các giao dịch bình thường.
Và cuối cùng chỉ khi nào cá nhân kinh doanh đó bị điều tra, thanh tra về thuế ở mức độ mà người đứng đầu cơ quan thuế phải gởi công văn đề nghị thì thông tin giao dịch, số dư tài khoản mới được ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế.
Thiết nghĩ trước khi Nghị định 126 có hiệu lực vào đầu tháng 12 này, cơ quan có trách nhiệm cần giải thích rõ cho người dân biết để họ yên tâm và tránh những xáo động không đáng có.
Hiện nay một số ngân hàng cũng cho rằng họ phải tuân thủ luật chuyên ngành, tức Luật Các tổ chức tín dụng mà theo luật này thì ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản và các giao dịch của khách hàng cho ai, trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cần làm rõ cơ quan thuế có phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp này hay không bởi trước nay ngân hàng hiểu đó là cơ quan công an điều tra, viện kiểm sát hay lệnh của tòa án mà thôi.
Chúng ta phải thu đủ thuế của những người cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế nhưng không vì thế mà gây tâm lý lo ngại không đáng có của đại đa số người dân bình thường đang dần làm quen với việc giao dịch không tiền mặt thông qua tài khoản ngân hàng.