vĐồng tin tức tài chính 365

Nước Mỹ sẽ ra sao sau khi “van bơm tiền” buộc phải đóng lại?

2020-11-26 11:28

Nước Mỹ sẽ ra sao sau khi “van bơm tiền” buộc phải đóng lại?

Hồ Quốc Tuấn (*)

(TBKTSG) - Việc Bộ Tài chính buộc Fed trả tiền và đóng lại đa số “van bơm tiền” trước cuối năm liệu có đặt nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính vào rủi ro mới?

Bộ Tài chính đòi Fed trả tiền

Ngày thứ Năm 19-11, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin của Mỹ đã gửi đến Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) một bức thư, yêu cầu Fed “trả lại tiền” trong các quỹ hỗ trợ cho vay khẩn cấp mà Quốc hội đã phê duyệt.

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu Fed trả lại hơn 450 tỉ đô la Mỹ còn chưa dùng đến trong các quỹ này. Đây là những quỹ được Quốc hội phê duyệt và do Bộ Tài chính cung cấp tiền để mua lại trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô vừa vay khẩn cấp, bình ổn giá trái phiếu của chính quyền bang và địa phương, cũng như mua lại các trái phiếu nhiều rủi ro, trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản trên thị trường tài chính.

Đây là một loạt chương trình mua lại tài sản và cho vay khẩn cấp với quy mô chưa từng thấy để bình ổn thị trường tài chính và hỗ trợ nền kinh tế khi dịch Covid-19 diễn ra. Nó đã làm cho các dự đoán về một thảm họa tài chính với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị... trật lất. Sự phối hợp của Bộ Tài chính và Fed lần này được đánh giá là rất thành công.

Thế nhưng, nếu Bộ Tài chính cho tiền thì họ cũng có thể đòi lại tiền. Phía lãnh đạo Fed đã trả lời thư của Bộ Tài chính vào ngày hôm sau, cho biết họ sẽ trả lại tiền cho Bộ Tài chính như yêu cầu nhưng cũng thể hiện quan điểm là họ muốn tiền được tiếp tục duy trì trong các tài khoản cứu trợ khẩn cấp này (nguyên văn “the full suite of emergency facilities”).

Đây là một biểu hiện cho thấy mối quan hệ rạn nứt giữa Bộ Tài chính và Fed vẫn tiếp tục, sau khi hai cơ quan này đã thể hiện bất đồng quan điểm nhiều lần trong việc cứu trợ kinh tế Mỹ. Fed khẳng định lại nhiều lần, trong các biên bản họp chính sách tiền tệ cũng như qua phát biểu của Chủ tịch Powell với truyền thông, rằng nước Mỹ cần một gói cứu trợ kinh tế thứ hai để hỗ trợ nền kinh tế càng sớm càng tốt. Ngược lại, phía Bộ Tài chính - ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Tổng thống D.Trump và các cố vấn, cũng như một số nghị sĩ Cộng hòa - cảm thấy một gói cứu trợ quy mô lớn là không cần thiết. Nhóm này tin rằng kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt, và do đó một gói cứu trợ vài ngàn tỉ không phải là thứ nước Mỹ cần.

Khóa vòi nước thì dễ, nhưng khi có cháy mở ra lại không dễ

Trước tiên, cần phải thừa nhận rằng đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ về nền kinh tế là không sai. Tình hình kinh tế Mỹ đã hồi phục từ đợt sụt giảm mạnh trong quí 2 tốt hơn rất nhiều nước. GDP quí 3 của Mỹ tăng 33,1%, mức tăng kỷ lục trong hơn 70 năm (sau mức rớt kỷ lục cũng sau chừng ấy năm trong quí 2). Người ta nhìn thấy một hình chữ V cho kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, về mặt thị trường tài chính, sức ép đã bớt đi nhiều, lợi suất trái phiếu mười năm vẫn dưới 1% và chỉ số Financial Condition Index giảm về gần bằng mức của tháng 2, tức là trước khi dịch Covid-19 lan nhanh trên phạm vi toàn cầu và tàn phá kinh tế thế giới. Chỉ số này càng thấp nghĩa là dòng tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế Mỹ đang trở về mức “bình thường” trước đại dịch. Các tin tức lạc quan về hiệu quả của vaccin của Mỹ, Đức và Anh lần lượt được công bố. Vậy Bộ Tài chính Mỹ đâu có sai khi nói kinh tế hồi phục tốt, đặc biệt là sau các tin tức lạc quan về vaccin và thuốc điều trị?

Vấn đề là, phía sau đợt hồi phục hình chữ V của quí 3 là gì? Đã có những tín hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ chững lại trong tháng 10, với việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng trở lại. Số doanh nghiệp lớn phá sản tại Mỹ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới, và nhiều doanh nghiệp gần trăm năm tuổi (không nhiều ở Mỹ) tiếp tục phá sản. Mới nhất là Guitar Center, công ty bán nhạc cụ lớn nhất nước Mỹ và có tuổi thọ 61 năm vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Ngân hàng Goldman Sachs, mặc dù báo lợi nhuận tăng khả quan, vẫn đang tiến hành đợt sa thải thứ hai trong năm. Tuy nhiên, số sa thải vài trăm người của Goldman Sachs chẳng là gì so với các kế hoạch sa thải vài ngàn đến vài chục ngàn người của những ngân hàng lớn hơn và có tình hình kinh doanh tệ hơn.
Quan trọng nhất, trong tuần lễ kết thúc ngày 22-11, có bình quân hơn 170.000 ca nhiễm Covid-19, tăng hơn 50% so với mức bình quân hai tuần trước đó. Một số bang của Mỹ đã vội vã dừng chương trình tái mở cửa nền kinh tế

của bang mình. Các vaccin được cho là có hiệu lực cao của Pfizer và Moderna vẫn đang xếp hàng chờ xét duyệt của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), và dù được chấp thuận thì đến khi có thể đưa vaccin đến hàng trăm triệu người dân Mỹ vẫn còn một khoảng thời gian dài.

Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp tiếp tục phá sản và tệ hơn là chính quyền bang và địa phương “hết tiền” (theo đúng nghĩa đen), thì làm sao để cứu giúp nền kinh tế? Fed có thể bơm tiền qua ngân hàng thương mại và công cụ giấy tờ có giá, nhưng không thể trực tiếp đi cho vay. Mà bài học năm 2008 và gần đây cho thấy, tiền bơm vào ngân hàng thương mại thường chạy loanh quanh trong hệ thống tài chính chứ không đi vào các khoản cho vay ra doanh nghiệp (người ta gọi là tình trạng ôm thanh khoản - liquidity hoarding - của ngân hàng).

Trong vài tháng qua, kênh hỗ trợ chính của Fed cho chính quyền bang, chính quyền địa phương, doanh nghiệp qui mô vừa là thông qua các chương trình mà Bộ Tài chính vừa thu lại tiền và yêu cầu đóng lại trước cuối tháng 12.

Nói cách khác, van bơm tiền hiệu quả trực tiếp của Fed cho nền kinh tế thực vừa bị yêu cầu đóng lại.

Nhiều nhà phân tích cho rằng điều này là không đáng lo, vì những kênh này có thể được mở lại sau khi chính phủ của ông Biden lên nắm quyền. Tuy nhiên, tiến trình mở lại sẽ tốn thời gian. Thông thường đóng kênh bơm tiền thì dễ, nhưng mà mở lại sẽ tốn một số thủ tục nhất định. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường tài chính.

Mặc dù một số kênh bơm tiền không được sử dụng nhiều (và do đó còn dư đến hơn 450 tỉ đô la), chúng đóng vai trò “hỗ trợ tinh thần” cho thị trường tài chính. Roberto Perli của Cornerstone Macro cho biết nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn nhiều khi họ biết nếu có gì xấu diễn ra với nền kinh tế, họ có những phương tiện hỗ trợ đã có sẵn.

Khi các kênh này chính thức đóng lại vào cuối tháng 12, từ ngày 1 đến ngày 20-1-2021, Fed không thể sử dụng các công cụ này để cho vay. Dù chỉ là 20 ngày, nhưng khi có cháy mà không có van bơm nước thì một ngày cũng là quá nhiều. Fed có thể hỗ trợ thị trường tài chính qua các công cụ mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn, mua lại tài sản từ ngân hàng và định chế tài chính qua nghiệp vụ mua và bán lại, nhưng nếu chính quyền bang mà kiệt quệ, thiếu tiền mặt, thì họ không thể làm gì. Và không ai đảm bảo sự gián đoạn này chỉ kéo dài 20 ngày. Mở lại các van bơm tiền này sẽ cần sự phê chuẩn theo thủ tục của Quốc hội. Khi đã có Quốc hội tham gia thì nhiều ẩn số khác cũng xuất hiện.

Tín hiệu về một nền kinh tế nghiện tiền hỗ trợ

Tất nhiên những lo lắng kể trên chỉ là kịch bản xấu nhất. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là số ca nhiễm Covid-19 của Mỹ vẫn trong tầm kiểm soát và nền kinh tế có thể vượt qua được khó khăn của kinh tế quí 4 và bắt đầu hồi phục trở lại từ quí 1-2021 với chính quyền mới, vaccin và tiền hỗ trợ mới. Nhiều dự đoán cho rằng đa số nền kinh tế trên thế giới sẽ bắt đầu trở lại bình thường kể từ đầu quý 2-2021. Các hoạt động di chuyển, du lịch, lễ hội được cho là sẽ tăng mạnh trong dịp Lễ Phục sinh năm 2021.

Vấn đề là những sự hồi phục đó vẫn phải dựa trên một sự hỗ trợ của các kênh bơm tiền và kích thích kinh tế, mà bất kỳ một sự chấm dứt hỗ trợ nào, rút thanh khoản hay ngừng mua tài sản nào từ phía ngân hàng trung ương, hay kết thúc gói cứu trợ kinh tế, cũng có thể sẽ khiến nền kinh tế và thị trường tài chính đi vào vòng xoáy bất ổn.

Chuyên gia Mohamed El-Erian nhận xét tình huống của nhiều chính phủ là tình thế “kiểu nào cũng thua” (lose-lose-lose situation): rút thanh khoản và kết thúc hỗ trợ kinh tế thì gây ra bất ổn và tổn hại tiến trình hồi phục; bơm thêm tiền thì gây ra nguy cơ bong bóng tài sản và các hoạt động kinh doanh đầy rủi ro (vì người ta quá dễ vay tiền để cược vào những canh bạc 80-90% là thua); còn nếu giữ nguyên hiện trạng thì nền kinh tế thực và thị trường tài chính tiếp tục sống nhờ vào tiền cứu trợ, và tài sản tài chính tiếp tục tăng giá mạnh trong khi kinh tế thực hồi phục chậm chạp hơn nhiều - bất bình đẳng giàu nghèo sẽ càng tăng.

Nói cách khác, tuy triển vọng hồi phục kinh tế thế giới vào đầu năm 2021 là lạc quan, nhất là sau khi vaccin tỏ ra có hiệu quả, liệu giới đầu tư có tiếp tục hưởng lợi từ một thế giới tiền rẻ hay không vẫn là đều không chắc chắn. Người nào cho tiền thì cũng chính người ấy có thể lấy lại tiền. Khi tiền bị thu về, nhiều tài sản sẽ biến thành nợ xấu và những đợt bán tháo tài sản sẽ bắt đầu. Người Mỹ có thể bơm tiền cứu các “xác chết biết đi”, như các trung tâm thương mại ngập trong nợ nần, các mô hình bán lẻ lỗi thời, các công ty sản xuất chậm đổi mới, nhưng không thể nuôi chúng mãi.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Xem thêm: lmth.ial-gnod-iahp-coub-neit-mob-nav-ihk-uas-oas-ar-es-ym-coun/550113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nước Mỹ sẽ ra sao sau khi “van bơm tiền” buộc phải đóng lại?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools