Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 do Bộ Công thương tổ chức sáng 26-11 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc thực thi các cam kết cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh khi mức thuế quan giảm tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt với nhóm nông sản.
Riêng với lĩnh vực logistics, mặc dù các cam kết trong các FTA thế hệ mới không quá xa so với cam kết trong WTO, nên có thể mang tới các cơ hội như gia tăng quy mô thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí…
Tuy vậy, những thách thức đặt ra cũng rất lớn, khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các đối thủ gay gắt hơn.
Dẫn chứng là EU vốn rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Hiện nhiều các doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa theo WTO còn rất hạn chế. Do đó với EVFTA, các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam dự báo sẽ còn lớn hơn nữa.
Trong khi đó, đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, giống như "điểm nút" lâu nay kìm hãm sự biến đổi về "chất" để dịch vụ logistics của Việt Nam có "bước nhảy" phát triển phù hợp với Cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó là việc ứng dụng khoa học công nghệ và trình độ nguồn nhân lực logistics còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng. Đặc biệt, cú sốc đại dịch COVID-19 cũng tác động không nhỏ tới ngành…
Cũng theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), đến nay vẫn có nhìn chung khoảng 20% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động.
Do Việt Nam là nền kinh tế mở, bị phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư FDI nên ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng chịu tác động của khoảng hơn 30 doanh nghiệp cung cấp logistics xuyên quốc gia. Vì vậy, khi nhu cầu quốc tế giảm sút đưa đến đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng cho rằng cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, đặc biệt là hỗ trợ vốn, gắn với tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics, giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ các cam kết hội nhập.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, để cắt giảm chi phí và nâng sức cạnh tranh cho ngành, cần thúc đẩy hoạt đông nghiên cứu và phát triển, áp dụng công nghệ 4.0 như blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, công nghệ in 3D giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất, quản lý vận tải kết hợp điện toán đám may, định vị vệ tinh để truy xuất vị trí hàng hóa.
Theo WB, chi phí logistisc hiện nay của Việt Nam ở mức cao, tương đương khoảng 21-25% GDP. Nghiên cứu của Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM thực hiện năm 2019 chỉ ra, các yếu tố tác động làm tăng chi phí logistics Việt Nam bao gồm chi phí kho bãi, chi phí vận tải, chi phí dịch vụ khách hàng, hoạt động phân phối và các yếu tố vĩ mô.
Do đó, để cắt giảm chi phí cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan, cải cách thủ tục hành chính, quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tăng kết nối phương thức vận tải, đẩy mạnh chuyển đổi số
TTO - Chi phí vận chuyển một chiếc ôtô từ Hàn Quốc về Việt Nam hết 5 triệu đồng, nhưng từ Hải Phòng về Hà Nội mất đến 3 triệu. Nhiều nghịch lý đang khiến ngành này không thể phát triển.
Xem thêm: mth.55210541162110202-atf-gnort-noh-tag-yag-hnart-hnac-ib-es-scitsigol-od-tad-ihp-ihc/nv.ertiout