Chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
EVFTA "cứu" ngành logistics
Phát biểu tại Diễn đàn Logistic Việt Nam 2020, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1.2020 tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc thông qua và thực thi Hiệp định EVFTA và một số hiệp định khác đã mở ra những cơ hội phát triển cho ngành logistics.
Trong đó, phát triển ở hai góc độ: Cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.
Trong hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.
Chính vì vậy, Thông qua diễn đàn này, ông Trần Tuấn Anh mong muốn có các ý tưởng, các biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để có thể thay đổi về “chất” phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới.
Chi phí logistics ở Việt Nam cao gấp gần 2 lần các nước phát triển
Tại diễn đàn, một doanh nghiệp cho biết, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có các chi phí, như chi phí kho bãi, vận tải, dịch vụ khách hàng, hoạt động phân phối, các yếu tố từ môi trường vĩ mô.
Trong đó, đối với chi phí kho bãi, hầu hết các công ty đều nhận định quỹ đất, giá thuê mặt bằng, quy hoạch các trung tâm Logistics còn thiếu, hoặc chưa hợp lý - là những nguyên nhân đóng vai trò chủ yếu dẫn đến chi phí kho bãi còn khá cao.
Còn "giá xăng dầu cao, ùn tác giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông không thuận lợi, các loại phụ phí không minh bạch, phụ phí nhiều và cao..." là những điều kiện "ngốn" chi phí vận tải.
Nêu quan điểm tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt câu hỏi: "Phải chăng, logistic là nghề osin của nền kinh tế?". Bởi thời kỳ đầu, ngành logistics vẫn phát triển một cách tự phát, thiếu bền vững với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng. Phải đến năm 2005, những chế định đầu tiên về dịch vụ logistics mới được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ dành cho lĩnh vực này.
Theo ông Lộc, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng khuôn khổ, chính sách toàn diện để phát triển ngành logistics.
"Trong những năm gần đây, hệ thống pháp luật liên quan ngành logistics đã có nhiều bước phát triển đáng kể; loại bỏ những nút thắt về mặt thể chế, thúc đẩy phát triển ngành logistics nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.
Chuyển biến lớn nhất của ngành logistics là cởi trói, trả lại quyền tự do kinh doanh cho ngành logistic ở nước ta và đưa ngành logistics ra khỏi ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư 2020"- ông Lộc nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo ông Lộc vẫn có nhiều thách thức trong lĩnh vực logistics mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đó là chi phí dịch vụ logistics còn cao.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistic tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Trong chi phí logistic tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỉ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hoá của các doanh nghiệp.
"Để ngành logistic của Việt Nam phát triển, cần ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistic. Đây là chìa khoá để các doanh nghiệp Việt giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bức phá trong thời kỳ hội nhập", Chủ tịch VCCI nói.
Xem thêm: odl.144758-neirt-tahp-coun-cac-nal-2-nag-pag-oac-man-teiv-o-scitsigol-ihp-ihc/et-hnik/nv.gnodoal