Hãng tin Nikkei (Nhật) cho biết, Foxconn đã bắt đầu sản xuất màn hình tinh thể lỏng tại Việt nam vào tuần trước, đồng thời quyết định đầu tư thêm hàng trăm triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
RCEP gồm 15 thành viên đã được ký kết vào ngày 15-11 vừa qua trong nỗ lực giảm thuế quan và cho phép thương mại thông suốt ở châu Á.
Foxconn có kế hoạch triển khai sản xuất quy mô toàn diện tại Việt Nam và nhận được những lợi ích từ khuôn khổ thương mại tự do.
Đài Loan không có trong RCEP nhưng phần lớn cơ sở sản xuất của Foxconn lại nằm tại Trung Quốc. Việt Nam, một thành viên của RCEP, có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, sẽ rất thuận lợi cho việc mua sắm linh kiện và có giá nhân công rẻ.
Ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn nhận định "Các tập đoàn lớn quốc tế đang trong cơn sốt đầu tư vào Việt Nam". Hiện Foxconn đang sản xuất nhiều loại sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm TV, thiết bị viễn thông và các sản phẩm liên quan đến máy tính.
Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT cho biết, chắc chắn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng nhờ RCEP, nhưng dòng vốn đầu tư từ các nước khác tham gia ký kết thỏa thuận cũng sẽ tăng lên.
.Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa diễn ra, cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Rosler cho biết: đoàn doanh nghiệp do ông dẫn đầu đang tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Việt Nam.
Bước đầu, các doanh nhân đến từ Đức, Thuỵ Sĩ và Israel quyết định đầu tư ngay một khoản 350 triệu USD vào du lịch số, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo số (startup số), chăm sóc, sản xuất các trang thiết bị y tế cá nhân... vốn là lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên.