Ông Thái Doãn Thanh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - đề nghị giảm thủ tục hồ sơ minh chứng khi kiểm định - Ảnh: M.G
Đây là những ý kiến chủ yếu tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2011-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 26-11 tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng việc kiểm định đã mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển cũng như văn hóa chất lượng của các trường.
Tuy nhiên, theo bà Nga, cả nước có gần 400 kiểm định viên nhưng tay nghề và kinh nghiệm chưa đồng đều dẫn đến sự khác biệt trong đánh giá ngoài.
Đáng chú ý, một trong những đơn vị nước ngoài được nhiều trường tham gia kiểm định là Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN-QA.
Theo bà Nga, đến nay, chưa có đơn vị kiểm định nước ngoài nào được Bộ GD-ĐT chính thức công nhận. AUN-QA là đánh giá ngoài đồng cấp, không phải kiểm định.
"Cần đánh giá kiểm định nước ngoài có tác động thế nào đối vối Việt Nam. Tốn rất nhiều tiền nhưng có tác động thay đổi gì không, có được gì không hay chỉ được cái danh kiểm định nước ngoài? Kiểm định trong nước có tác động thay đổi rõ rệt với các trường trong khi kiểm định nước ngoài không có hoặc thay đổi không đáng kể" - bà Nga nói.
Từ đó, bà Nga đề xuất Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn trung tâm kiểm định nước ngoài nào được công nhận tại Việt Nam và phải được chính quốc gia của tổ chức đó công nhận. Chuẩn nước ngoài nhưng phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, tạo sự thay đổi thì mới mang lại lợi ích cho giáo dục đại học.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại đề nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kiểm định uy tín được vào Việt Nam để các trường tiếp cận với chương trình và đào tạo của các nước phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Đại diện Trường ĐH Hà Nội cho rằng cần có cơ chế công nhận tổ chức kiểm định nước ngoài uy tín như HCERES. "Đừng tạo ra các thủ tục giấy tờ phiền hà làm họ nản chí bỏ đi" - vị này nói.
Theo đại diện Trường ĐH Duy Tân, tham gia kiểm định bởi những tổ chức được công nhận rộng rãi trên thế giới sẽ giúp chương trình đào tạo tại Việt Nam có điều kiện tham gia các hiệp hội công nhận văn bằng lẫn nhau.
Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi trọng số tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định, nên tập trung vào các tiêu chí cốt lõi chứ không dàn trải như hiện nay, tin học hóa hồ sơ kiểm định, giảm hồ sơ minh chứng, sớm có qui định giám sát các trung tâm kiểm định…
Đại diện khối trường quân đội, công an đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho nhóm trường này vì quá trình tuyển sinh, đào tạo, phân công nhiệm vụ khác với những trường còn lại. Hồ sơ minh chứng thuộc danh mục tài liệu mật nên không thể công bố ra ngoài.
TTO - Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh ACBSP (Hoa Kỳ) và Mạng lưới Đảm bảo chất lượng của hệ thống các trường đại học ASEAN vừa công nhận 9 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng giáo dục.