Các hãng hàng không Việt Nam đều mong muốn được cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi để vượt qua đại dịch COVID-19 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tại hội thảo khoa học quốc gia Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Viện Kinh tế - xã hội và công nghệ tổ chức sáng 26-11, các hãng hàng không đồng loạt đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thuế, phí và cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi để có tiền hoạt động.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương - phó tổng giám đốc Vietjet, đại dịch COVID-19 khiến Vietjet lỗ 2.400 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm. Hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ.
Bà Phương liệt kê chính phủ nhiều nước đã có chính sách hỗ trợ hãng hàng không bằng các khoản vay ưu đãi để tồn tại, vượt qua đại dịch COVID-19. Qua đó, bà Phương chỉ ra vấn đề quan trọng nhất của Vietjet hiện nay cần tăng được dòng tiền thanh khoản.
"Vietjet mong được khoản vay 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của ngân hàng nhà nước cho các ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp hàng không vay nhằm vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Có thể chỉ định hai ngân hàng nhà nước có tiềm lực mạnh cùng tham gia hỗ trợ hàng không. Sau 3 năm Vietjet có thể trả lãi suất vay ưu đãi với vốn" - bà Phương đề xuất.
Bà Phương cũng cho biết Vietjet đã cố gắng hết sức kể cả những giải pháp trả lương phi công theo giờ và giảm 70-80% lương lãnh đạo, Vietjet cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Theo bà Phương, chính phủ các nước đều hỗ trợ tất cả các hãng hàng không. Cho nên khi mở cửa hàng không quốc tế trở lại thì các hãng nước ngoài có tiềm lực cạnh tranh tốt. Nếu các hãng hàng không Việt Nam không được hỗ trợ sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh.
Tương tự, ông Nguyễn Khắc Hải - phó tổng giám đốc Bamboo Airways - cho biết dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay nhưng dịch COVID-19 khiến doanh thu Bamboo Airways doanh thu sụt giảm. Ông Hải ước tính Bamboo Airways lỗ bằng 1/3, 1/4 Vietnam Airlines (Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỉ đồng trong năm 2020).
"Bamboo Airlways đã kiến nghị hỗ trợ lên nhiều cấp. Chúng tôi đồng ý với kiến nghị như Vietjet, đề xuất Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng Bamboo Airways bằng hình thức cho vay tái cấp vốn cho các hãng hàng không. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản" - ông Hải kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoàn - phó trưởng ban kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines, dịch COVID-19 khiến doanh thu năm 2020 của hãng ước tính giảm hơn một nửa so với 2019, lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỉ đồng, thâm hụt dòng tiền khoảng 15.000 tỉ đồng. Do đó, ông Hoàn kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp hàng không với hình thức cho vay không lãi suất để trả lương cho người lao động.
"Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết đã có 173 tỉ USD từ chính phủ các nước hỗ trợ các hãng hàng không, trong đó có 46 tỉ USD để trả lương và phần này không hoàn lại bởi vì tiền lương là sống còn đối với người lao động" - ông Hoàn dẫn chứng.
Theo TS Trần Đình Thiên, phần hỗ trợ của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu 86% vốn tại Vietnam Airlines là thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu, khác với chính sách hỗ trợ chung cho các hãng hàng không. Việc này Quốc hội đã có nghị quyết cho phép hỗ trợ rất mang tính thị trường, minh bạch.
Nhưng theo quan điểm của ông Thiên, trên tầm nhìn quốc gia các hãng hàng không Việt Nam cần phải được hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ bằng lãi suất tái cấp vốn.
"Lúc này các hãng Việt Nam phải bàn với nhau để chuẩn bị một trò chơi khác, lấy cái đó bàn với Thủ tướng dễ hơn nhiều" - ông Thiên đề nghị như vậy vì nhận định cuộc chơi hàng không trong đại dịch COVID-19 vẫn còn khốc liệt, nếu thực hiện giải pháp ăn đong, cào bằng sẽ dẫn tới cảnh tất cả cùng chết.
Tại hội thảo, các hãng hàng không đều kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không như giảm 50% phí cất hạ cánh, giảm giá dịch vụ điều hành bay nội địa, giảm thuế môi trường giá xăng từ 3.000 đồng/lít xuống 900 đồng/lít đến hết năm 2021, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, phụ tùng vật tư thiết bị...
Tuy nhiên, ông Trịnh Như Long, phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết việc giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến hết năm 2020 khiến doanh thu, lợi nhuận của công ty này giảm sâu. Nếu tiếp tục giảm giá 50% với hai dịch vụ trên thì công ty sẽ giảm 300 tỉ đồng doanh thu và mất cân đối thu chi.
Do vậy để đảm bảo hoạt động bay, bảo toàn vốn nhà nước, ông Long kiến nghị không tiếp tục giảm giá điều hành bay trong bối cảnh Tổng công ty Quản lý bay vừa bị giảm 60% doanh thu do giảm sản lượng khai thác vừa bị các hãng hàng không nợ tiền.
Xem thêm: mth.26914634162110202-coun-ahn-auc-ort-oh-coud-iahp-nac-man-teiv-gnohk-gnah-gnah-cac/nv.ertiout