Doanh nghiệp đối mặt thuế carbon trong cuộc chiến bảo vệ khí hậu
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Một số nền kinh tế kinh tế thế giới đang hoặc chuẩn bị bắt buộc các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phải trả tiền để được phát thải carbon trong nỗ lực thúc đẩy họ cắt giảm loại khí nhà kính gây biến đổi khí hậu này. Những nước không áp chi phí cho khí thải carbon cho doanh nghiệp cũng có thể bị áp thuế carbon khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác có các chính sách hạn chế khí thải carbon nghiêm ngặt.
Các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch ở nhiều nước đang phải trả tiền để được phát thải carbon vượt hạn mức cho phép. Ảnh: grist.org |
Hướng đến mục tiêu zero ròng về phát thải carbon
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã theo bước Liên minh châu Âu (EU) khi cam kết cắt giảm khí thải carbon (CO2) về mức zero ròng, tức mức thải và rút carbon khỏi khí quyển ngang bằng nhau. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đưa ra cam kết tương tự trong quá trình vận động tranh cử.
Năm sau, các nước trên sẽ đặt ra các biện pháp thực tế để hướng đến mục tiêu này như là một phần của các cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris. Các chuyên gia cho rằng việc áp một mức giá cho carbon thải ra môi trường sẽ là trọng tâm của các biện pháp này.
Wendy Hughes, Giám đốc Sáng tạo và thị trường carbon toàn cầu ở Ngân hàng Thế giới (WB), nói: “Mỗi nước sẽ phải đưa ra con đường riêng để đạt mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng nhưng chính sách áp giá cho khí thải carbon sẽ là một phần rất quan trọng”.
Nguyên tắc rất đơn giản: Giá carbon thiết lập mức chi phí mà các công ty cần phải trả cho khối lượng phát thải carbon của họ. Giá carbon càng cao, các công ty càng có động lực lớn hơn để giảm phát thải carbon và đầu tư cho công nghệ carbon thấp.
Các chính phủ có thể bắt buộc doanh nghiệp phải trả chi phí phát thải carbon thông qua thuế carbon hoặc thông qua Hệ thống mua bán phát thải (ETS). Hệ thống ETS đặt ra khối lượng carbon tối đa mà một ngành hay một nhóm ngành được phép phát thải. Nó cũng tạo ra các giấy phép phát thải carbon mà các công ty có thể mua cho mỗi tấn CO2 mà họ thải ra.
Nhiều chính phủ ở châu Âu cho đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Kazakhstan đã triển khai hệ thống ETS ở nhiều mức độ khác nhau.
Theo WB, hiện nay, hơn 20% khí thải carbon trên toàn cầu đang chịu chi phối của của 46 chương trình áp giá khí thải carbon cấp quốc gia đang được thực hiện hoặc lên kế hoạch thực hiện cũng như 32 chương trình áp giá khí thải carbon khu vực
Hệ thống ETS của EU đang chuẩn bị trải qua sự thay đổi lớn. Kể từ hệ thống này được khởi động ở châu Âu vào năm 2005, lượng phát thải carbon ở các nhà máy điện và các nhà máy khác tham gia hệ thống này giảm 35%, thậm chí giảm mạnh hơn ở một số ngành chưa bị ảnh hưởng bởi hệ thống này.
“Hệ thống ETS đã chứng minh tính hiệu quả. Nó cho thấy áp giá khí thải carbon là một động lực mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi lập tức trong tiêu thụ năng lượng”, Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách hành động khí hậu của (EC), nói.
Trung Quốc lên kế hoạch triển khai hệ thống ETS toàn cầu vào năm sau nhằm vào sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch và ngành sản xuất điện. |
Áp giá khí thải carbon ở mức nào là bài toán khó
Ở ngành điện lực của EU, hệ thống ETS đã khiến các nhà máy nhiệt điện than trở nên thiếu tính khả kinh tế so với các nhà máy điện khí ít ô nhiễm hơn hay các dự án năng lượng tái tạo. Nhưng bài toán khó khăn là phải áp giá khí thải carbon ở mức hợp lý. Nếu giá khí thải carbon quá thấp, các công ty sẽ có ít động lực để giảm phát thải carbon. Nếu carbon được định giá quá cao, điều này có nguy cơ quật ngã hoạt động sản xuất.
EU sẽ đề xuất cải cách hệ thống ETS vào năm sau để đạt các mục tiêu giảm phát thải carbon mạnh mẽ hơn vào năm 2030. Các thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hơn bao gồm vận tải biển và sẽ hạn chế sớ giấy phép phát thải carbon miễn phí cấp cho các doanh nghiệp sản xuất của EU để họ tăng cạnh tranh với các công ty nước ngoài không trả chi phí thải carbon.
Hiện nay, giá phát thải carbon ở châu Âu đang ở mức khoảng 27 euro/tấn. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, giá phát thải carbon cần tăng lên nữa để thúc đẩy ngành sản xuất đầu tư vào các công nghệ cắt giảm phát thải carbon như hydrogen.
Mark Lewis, Giám đốc chiến lược bền vững ở Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), nói: “Giá carbon cần phải đủ cao để giúp EU đạt mục tiêu phát thải carbon ở mức zero ròng vào năm 2050. Tôi nghĩ rằng 90 euro/tấn carbon là mức giá kỳ vọng hợp lý vào năm 2030”.
Các nền kinh tế lớn khác đang theo dõi cách làm của EU. Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, lên kế hoạch triển khải hệ thống ETS trên toàn quốc sớm nhất là vào đầu năm sau. Hệ thống này sẽ có quy mô lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ tác động đến hàng tỉ tấn CO2 từ các nhà máy sản xuất điện mỗi năm.
Các chuyên gia cho rằng các bước chuẩn bị của Trung Quốc cho ETS đã tăng tốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo hồi tháng 9 rằng Trung Quốc sẽ trở thành nước đạt mức zero ròng về phát thải carbon vào năm 2060.
Jos Delbeke, một nhà hoạch định chính sách khí hậu đã về hưu ở EU, người đã dẫn dắt nỗ lực xây dựng hệ thống ETS của khu vực này, cho biết ông đã khuyên Trung Quốc xây dựng một hệ thống có thể dần dần nâng cấp và có thể chống chọi các cú sốc kinh tế.
EU đã rút ra bài học này sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khi các yếu tố gồm thiếu các quy định linh hoạt khiến thị trường không thể phản ứng trước sự sụt giảm mức phát thải carbon do tác động của suy thoái, dẫn đến nguồn cung giấy phép phát thải carbon giá rẻ tràn ngập thị trường.
Giá của giấy phép phát thải carbon chỉ hồi phục vào năm 2018 khi EU thông báo sẽ giới thiệu một hệ thống dự trữ bình ổn thị trường kể từ năm 2019 để điều tiết lượng giấy phép phát thải mà các nước thành viên được phép bán đấu giá mỗi năm.
Chương trình ETS thí điểm của Trung Quốc cũng nghiên cứu thành lập hệ thống dự trữ tương tự, theo Huw Slater, nhà tư vấn carbon của Công ty tư vấn ICF ở Bắc Kinh.
Thuế carbon toàn cầu chưa khả thi
Tuy nhiên, việc thành lập một mức giá carbon thống nhất trên toàn cầu vẫn là triển vọng xa vời. “Ý tưởng thiết lập mức giá carbon toàn cầu dựa trên giả định sẽ có hàng chục hệ thống ETS của các nước này liên kết với nhau. Nhưng điều đó chưa xảy ra”, David Hone, trưởng cố vấn khí hậu ở Tập đoàn dầu khí Shell, nói.
Các cuộc đàm phán ở Liên Hợp Quốc trong hai năm qua vẫn chưa nhất trí được các quy tắc chung cho các thị trường carbon quốc tế. Thiếu sự phối hợp của toàn cầu đã dẫn đến việc EU bắt đầu tự soạn thảo chính sách thuế biên giới carbon, một loại đánh thuế áp cho các mặt hàng gây ô nhiễm ô nhiễm trong quá sản xuất nhập khẩu vào châu Âu chẳng hạn như thép và xi măng.
Mục đích là để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất của châu Âu trước hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ các khu vực có chính sách khí hậu lỏng lẻo. EU dự kiến triển khai thuế này vào năm 2023.
Tại Mỹ, trong quá trình vận động tranh cử, ông Joe Biden cũng lên tiếng ủng hộ thiết lập thuế biên giới carbon. Ông cũng cam kết nếu đắc cử, ông sẽ thúc đẩy kế hoạch chi tiêu 2.000 tỉ đô la trong bốn năm để đầu tư vào hạ tầng năng lượng sạch và cắt giảm khí thải carbon từ ngành điện về mức zero trong vòng 15 năm
Wendy Hughes, Giám đốc Sáng tạo và thị trường carbon toàn cầu ở WB, cho rằng việc một số thị trường lớn nhất thế giới yêu cầu đóng thuế carbon đối với hàng hóa ô nhiễm nhập khẩu sẽ thúc đẩy các nước có chính sách khí hậu yếu ớt tìm cách đi theo hướng carbon thấp để duy trì cạnh tranh. Bà cho rằng điều này có thể thúc đẩy các nước liên kết các hệ thống ETS của họ và mong muốn thiết lập một mức giá carbon trên toàn cầu trong dài hạn.
Hệ thống ETS của EU, được khởi động cách đây 15 năm, áp đặt cho tất cả 27 nước thành viên cùng Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Hệ thống này bắt buộc các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, các nhà máy sản xuất điện và ngành hàng không trả phí khí thải carbon vượt hạn mức cho phép bằng cách mua giấy phép phát thải carbon. Trung Quốc lên kế hoạch triển khai hệ thống ETS trên toàn quốc vào năm 2021 sau khi thí điểm ở một số tỉnh thành như Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Đông, Hồ Bắc, Thượng Hải, Thâm Quyến và Thiên Tân. Hệ thống ETS của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch và ngành sản xuất điện. Hệ thống ETS của New Zealand, được thiết lập vào năm 2008, áp đặt cho các nhà máy sản xuất điện, các nhà sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch bao gồm xăng dầu. Bắt đầu từ năm 2020, Mexico triển khai hệ thống ETS thí điểm trong thời gian ba năm đối với ngành điện và dầu khí và các ngành sản xuất công nghiệp. Hàn Quốc triển khai hệ thống ETS vào năm 2015, áp dụng cho khoảng 600 công ty phát thải carbon lớn nhất, chiếm gần 70% khối lượng phát thải carbon của nước này mỗi năm. Hệ thống ETS của Kazakhstan khởi động vào năm 2013 nhưng tạm ngừng vào năm 2016 và tái triển khai vào năm 2018 sau khi cải cách. Hệ thống này áp đặt cho ngành năng lượng, khai mỏ và hóa chất. |
Theo Reuters
Xem thêm: lmth.uah-ihk-ev-oab-neihc-couc-gnort-nobrac-euht-tam-iod-peihgn-hnaod/511113/nv.semitnogiaseht.www