Đến lượt các hãng bay tư nhân đồng loạt xin ưu đãi
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết cuối kỳ họp khóa XIV, cho phép Chính phủ thực hiện các chính sách giải cứu Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways đồng loạt xin các chính sách tương tự
Gói hỗ trợ ngành hàng không chính thức được khởi động
Giải cứu Vietnam Airlines như thế nào cho hợp lý?
Các hãng hàng không tư nhân đã nêu đề xuất tại hội thảo ngày 16-11 về việc kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại cuộc Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” hôm 26-11 tại Hà Nội, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, Vietjet Air cũng thiếu hụt khá nhiều tiền để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Hãng hàng không tư nhân này đưa ra các đề xuất cụ thể về chương trình cho vay lãi suất ưu đãi với các doanh nghiệp hàng không, Theo đó, Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng việc cơ cấu nợ phát sinh trước ngày 23-1-2020 nhưng Vietjet Air muốn kiến nghị bổ xung các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 đối với ngành hàng không vào phạm vi, đối tượng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31-12-2021.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các hãng hàng không và khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn. Dư nợ của doanh nghiệp hàng không rất cao nhưng lại gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Do đó, Vietjet Air kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh.
Mặt khác, các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2-3 năm tới do bị sụt giảm mạnh về doanh thu. Trên thực tế, mới chỉ có Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép NHNN tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho vay. Do vậy, Vietjet Air cũng kiến nghị NHNN xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để hãng vay 4.000 tỉ đồng nhằm giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm. “Vietjet Air sẽ bắt đầu trả nợ và lãi kể từ 2023-2025”, bà Yến Phương nói.
Tương tự, đại diện Bamboo Airways cũng đề xuất tại hội thảo về việc kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.
Tất cả các hãng hàng không tư nhân đều kiến nghị tăng thời gian hỗ trợ và miễn giảm ở mức cao nhất, như Bamboo Airways đề xuất miễn giảm 100% đối với các chính sách giảm giá dịch vụ, giảm thuế đã được ban hành đến hết 2021, giảm phí cất hạ cánh nội địa, phí điều hành bay nội địa về mức... 0 đồng, để các hãng có thêm dòng tiền.
Trước đó, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã gửi lên Chính phủ kiến nghị một gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi trị giá từ 18.000 đến 25.000 tỉ đồng để giúp các hãng hàng không vượt qua đại dịch.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Công Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, lại đề xuất không thể tiếp tục giảm giá dịch vụ điều hành bay, phí cất hạ cánh thêm nữa vì bản thân Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã giảm cả sản lượng khai thác, giảm cả giá điều hành... trong thời gian vừa qua. Ông e ngại tình trạng “cứu doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác không sống được”.
Xem thêm: lmth.iad-uu-nix-taol-gnod-nahn-ut-yab-gnah-cac-toul-ned/901113/nv.semitnogiaseht.www