Tháng 7/2019, một số tờ báo quốc tế đã đưa tin về việc 2 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới là GIC và SoftBank có mong muốn rót 300 triệu USD vào VNPAY.
Với khoản đầu tư kỷ lục vào một công ty công nghệ như vậy, khi đó VNPAY đã được đồn đoán là có thể là kỳ lân (startup có định giá tối thiểu 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam, sau Công ty cổ phần VNG. Báo cáo E-Conomy của Google mới đây cũng đã chính thức đưa VNPAY vào danh sách các kỳ lân của khu vực Đông Nam Á.
Trong chia sẻ độc quyền với Trí thức trẻ vào tháng 7/2019, ông Trần Trí Mạnh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNLIFE đồng thời là chủ tịch của công ty VNPAY đã xác nhận việc GIC và Softbank Vision Fund đã đầu tư vào VNLIFE nhưng không công bố con số cụ thể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, VNLIFE – tên chính thức là CTCP Tập đoàn cuộc sống Việt - là công ty holding được lập ra với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPAY. Cách làm này cũng tương tự như việc Alphabet Inc. được lập ra để sở hữu Google.
Dữ liệu trên Hệ thống đăng ký kinh doanh cho thấy trong năm 2019, VNLIFE đã thực hiện tăng vốn từ 150 tỷ lên 217,7 tỷ đồng và tính đến tháng 8/2019 xuất hiện 2 cổ đông nước ngoài là Ardolis Investment Pte Ltd – đại diện quỹ GIC – sở hữu 13,24% cổ phần và SVF Pioneer Subco (Singapore) Pte Ltd – đại diện SoftBank – sở hữu 19,62% cổ phần.
Như vậy 2 quỹ ngoại này đã sở hữu xấp xỉ 33% cổ phần của VNLIFE.
Thông tin của DealStreetAsia khi đó cho biết SoftBank có mong muốn đầu tư 200 triệu USD và GIC muốn đầu tư 100 triệu USD. Tuy nhiên số liệu chính thức từ báo cáo tài chính của VNLIFE cho thấy doanh nghiệp này chỉ nhận đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng ~ 196 triệu USD trong năm 2019.
Với 196 triệu USD cho 33% cổ phần thì định giá của VNLIFE mới chỉ vào khoảng 630 triệu USD – cách khá xa so với mốc 1 tỷ USD. Trong hơn 1 năm qua VNLIFE không có đợt tăng vốn mới nào và hiện không rõ có giao dịch cổ phần mua bán cổ phần thứ cấp nào đưa định giá của VNLIFE/VNPAY lên mức 1 tỷ USD hay không.
Khoản đầu tư của SoftBank và GIC dù vậy cũng đưa VNLIFE cùng với FPT và VNG trở thành Top3 những công ty công nghệ "giàu có" nhất Việt Nam.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng ½ số tiền được đầu tư đã được VNLIFE dùng để mua cổ phần của một số công ty khác, phần lớn là dành cho CTCP Công nghệ Teko. Đến cuối năm 2019, VNLIFE còn khoảng 2.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.
Teko đóng vai trò như một quỹ đầu tư, với danh mục tự công bố gồm có Phong Vũ Computer, Tripi, Jupviec, POS365, VNPAY…
Một số khoản đầu tư trong danh mục của Teko Ventures
Còn về trụ cột chính của VNLIFE là VNPAY, đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được tăng mạnh từ 150 tỷ 1.000 tỷ đồng.
VNPAY vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ứng dụng này hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV.
Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.
Việc tung ra rất nhiều khuyến mãi để hướng người dùng làm quen với việc thanh toán bằng mã QR khiến chi phí của VNPAY tăng lên rất nhiều tuy nhiên với doanh thu khá lớn và tăng trưởng cao nên VNPAY vẫn có lợi nhuận, thậm chí là lãi khá cao.
Cụ thể, năm 2017 và 2018, VNPAY có lãi trước thuế lần lượt là 125 tỷ và 194 tỷ đồng trước khi giảm mạnh xuống còn 45 tỷ đồng năm 2019 do chi phí bán hàng tăng rất mạnh.
Trong khi đó, hầu hết các ứng dụng thanh toán khác như Ví điện tử Momo, Moca hay ZaloPay đều đang lỗ rất lớn.