Chạy chọt, mua chuộc để được tiêm Covid-19 sớm ở Trung Quốc
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Theo quy định của Trung Quốc, chương trình tiêm vaccine khẩn cấp chỉ dành cho những người thuộc tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 hoặc những người thuộc diện rủi ro lây nhiễm cao chẳng hạn như nhân viên y tế, nhân viên hải quan...Tuy nhiên, nhiều người không thuộc diện này vẫn đổ xô đi tiêm vaccine Covid-19 bằng cách sử dụng các mối quan hệ và tiền bạc.
Một người tình nguyện được tiêm vaccine Covid-19 trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng ở TP Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong khuôn khỏ chương trình thử nghiệm, hàng trăm ngàn người dân Trung Quốc đã được tiêm các loại vaccine ngừa Covid-19 do các công ty trong nước sản xuất, bất chấp kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của chúng vẫn chưa được công bố.
Luồn lách quy định để được tiêm
Trước chuyến đi sang Mỹ, Cheng, một chủ doanh nghiệp ở Bắc Kinh muốn được tiêm vaccine Covid-19. Để làm được như vậy, ông nhờ một người bạn làm việc một công ty logistics chuyên về chuỗi cung ứng lạnh giả xác nhận ông đang làm việc cho công ty này.
Giờ đây, ông chuẩn bị bay đến tỉnh Quảng Đông và trả 91 đô la để được nhận hai mũi tiêm vaccine Covid-19 mà ông tin là được sản xuất bởi một đơn vị của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm). Ông tiết lộ: “Bạn chỉ cần chuyển tiền cho anh ta qua ví điện tử Alipay nhưng anh ta sẽ không nói rõ cho bạn chi tiết về vaccine Covid-19 vì rõ ràng đây là thị trường chợ đen”.
Khi các công ty dược phẩm từ AstraZeneca (Anh-Thụy Sĩ) cho đến Pfizer (Mỹ) sắp hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với các vaccine Covid-19 của họ, nhiều nước đang chuẩn bị giải quyết thách thức trong việc cung ứng chúng.
Sự thiếu hụt không thể tránh khỏi của nguồn cung vào thời gian ban đầu làm dấy lên các lo ngại về việc phân phối vaccine không công bằng, thậm chí sự xuất hiện của các thị trường chợ đen. Trung Quốc là nơi đã cho phép sử dụng vaccine Covid-19 do các công ty trong nước sản xuất trong trường hợp khẩn cấp kể từ giữa năm nay.
Về danh nghĩa, chương trình tiêm vaccine khẩn cấp này chỉ dành cho những nhân viên làm việc ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chẳng hạn nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 hay nhân viên hải quan làm việc ở các cảng.
Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người chuẩn bị đi ra nước ngoài như doanh nhân Cheng, đã luồn lách quy định này để được tiêm các vaccine Covid-19 dù các công ty sản xuất chúng chưa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Rachel Cooper, Giám đốc Sáng kiến y tế ở tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), nói: “Sẽ rất nhiều suất tiêm vaccine Covid-19 ở Trung Quốc được chuyển cho những người có mối quan hệ”.
Tập đoàn công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một thành viên của Sinopharm, đang phát triển hai ứng viên vaccine Covid-19 hàng đầu ở nước này, cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng cuối cùng được thực hiện với sự tham gia của hơn 50.000 người tình nguyên ở các nước từ Argentina cho đến Ai Cập, đang tiến triển tốt và chưa có báo cáo nào về các sự cố nghiêm trọng ở những người tình nguyện.
Được tiêm vaccine sớm là một đặc quyền
Nhiều người dân ở Trung Quốc xem việc được tiêm vaccine Covid-19 sớm như một đặc quyền. Nhân viên ở các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước quan trọng ở Trung Quốc tiếp cận vaccine Covid-19 khá dễ dàng. Một người làm việc ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các nhân viên ở bộ này được tiêm vaccine Covid-19 của CNBG cách đây hai tháng vì họ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài ở Trung Quốc trong quá trình làm việc.
Một nhân viên ở Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), một doanh nghiệp nhà nước, tiết lộ nhiều đồng nghiệp đã được được tiêm vaccine Covid-19 trước khi đến dự một hội chợ triển lãm thương mại ở Thượng Hải trong tháng này. Một nhân viên khác ở một công ty công nghệ nhà nước cũng cho hay hàng chục nhân viên ở công ty này được tiêm vaccine Covid-19 trước khi họ tham gia tổ chức một diễn đàn lớn hồi tháng 9. Tuy nhiên, họ phải ký cam kết không tiết lộ thông tin về vaccine.
Một người khác thừa nhận được tiêm vaccine nhờ có cha mẹ làm việc ở một công ty nhà nước. Thậm chí, phóng viên của Bloomberg ở Trung Quốc cũng được mời chào tiêm vaccine của CNBG trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài.
Những người tiêm vaccine sớm này có thể gánh các rủi ro lớn. Họ có thể nhận được các vaccine không hiệu quả nhưng vẫn tin rằng họ đã an toàn và phớt lờ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Họ cũng có thể bị cấm tiêm các vaccine khác hiệu quả hơn vì họ đã tiêm rồi. Đó là chưa kể các rủi ro sức khỏe nếu các mũi vaccine mà họ nhận được gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
“Những rủi ro này không được công bố rõ ràng”, Yanzhong Huang, chuyên gia nghiên cứu chăm sóc y tế ở Trung Quốc và là học giả cấp cao về sức khỏe toàn cầu ở Hội đồng Đối ngoại, có trụ sở ở New York, nói. “Tại Trung Quốc, đang có xu hướng tâm lý: ‘Mọi người đang được tiêm vaccine Covid-19, tôi cũng muốn được tiêm’. Vấn đề này khác với Mỹ”, Jennifer Huang Bouey, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao ở tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND Corporation, nói.
Kết quả khảo sát của hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos hồi tháng 10 cho thấy tại Mỹ, 64% người được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19, trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 85%.
Vaccine Covid-19 của Tập đoàn công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG). Ảnh: Getty |
‘Cò’ vaccine Covid-19
Một số người chẳng hạn như doanh nhân Cheng chỉ đơn giản là muốn được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trước khi ra nước ngoài. Một nữ sinh viên Trung Quốc, người cần trở lại Pháp vào tháng sau để hoàn tất khóa học thạc sĩ, phát hiện một gian hàng của CNBG ở một hội chợ ở Bắc Kinh chào mời tiêm vaccine Covid-19 cho các du học sinh hồi tháng 9.
Sau khi nộp các giấy tờ chứng minh mình là du học sinh, hồi giữa tháng 10, cô nhận được mũi tiêm đầu tiên ở nhà máy của công ty này tại ngoại ô Bắc Kinh. Cô được yêu cầu không nói về việc tiêm chủng trên mạng xã hội. Cô nói những du học sinh khác đăng ảnh tiêm vaccine trên mạng xã hội đều bị yêu cầu gỡ xuống. Cô cho hay nhân viên của CNBG nói rõ rằng đây chỉ là đợt tiêm thử nghiệm vì vaccine vẫn chưa được cấp phép sử dụng.
Đối với những người không may mắn thuộc diện được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 khẩn cấp, luôn có những ‘cò’ vaccine sẵn sàng phục vụ họ. Những kẻ này ra giá từ 600-1500 đô la cho những người muốn có suất tiêm vaccine Covid-19.
Li, một ‘cò’ vaccine, cho biết ông móc nối với các công ty có nhân viên tuyến đầu thuộc diện được tiêm vaccine Covid-19, rồi sau đó, thông qua các công ty này để đặt cuộc hẹn tiêm vaccine với hãng dược sinh học Sinovac Biotech, một trong những công ty đang thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 ở giai đoạn cuối. Li nói: “Một số người rất biếy ơn tôi vì đã giúp họ”. Tuy vậy, ông cũng lo lắng vì biết rằng mình đang làm điều trái pháp luật.
Hôm 25-11, Xinhua Finance dẫn lời Phó Tổng Giám đốc Sinopharm, Shi Shengyi, cho hay CNBG đang nộp đơn lên các cơ quan quản lý để xin cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 đại trà ở Trung Quốc. Nếu được cấp phép, CNBG sẽ là nhà phát triển vaccine đầu tiên bên ngoài Nga tiếp cận thị trường đại chúng. Các nhà phát triển vaccine Covid-19 ở phương Tây như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, chỉ mới ở giai đoạn nộp đơn xin cấp phép sử dụng vaccine khẩn cấp. Hôm 18-11, Chủ tịch Sinopharm, Liu Jingzhen, cho biết có 100.000 người đã được tiêm vaccine Covid-19 của công ty này trong thời gian Hội chợ xuất khẩu khẩu quốc tế Trung Quốc diễn ra ở Thượng Hải hồi đầu tháng 11 nhưng chưa có ai gặp phải bất kỳ phản ứng phụ bất lợi nào. Ông nói rằng trong số này, 56.000 người đã đi ra nước ngoài sau khi tiêm và chưa có ai bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. |
Theo Bloomberg, New York Times
Xem thêm: lmth.couq-gnurt-o-mos-91-divoc-meit-coud-ed-couhc-aum-tohc-yahc/821113/nv.semitnogiaseht.www