Nhiều kẻ bất lương lĩnh án
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triệt phá nhiều vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn, đưa hàng loạt các đối tượng trong đường dây phạm tội ra xét xử. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, các cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế...
Từ các phiên tòa vừa qua cho thấy, phương thức và thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, có chiều hướng gia tăng về số lượng, khiến rất nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”. Đáng nói, trong một số các vụ án thì kẻ phạm tội từng là bị hại trong đường dây mua bán người.
Đơn cử như ngày 18/11 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thị Ngọc Hạnh SN 1990, trú tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 9 năm tù về tội Mua bán người.
Trong vụ án này, ban đầu Hạnh là nạn nhân trong đường dây mua bán người do Vũ Văn Công SN 1988, quê Hà Nội và Lê Thị Kim Ngọc SN 1990, trú Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức, cầm đầu. Sau thời gian sống ở Trung Quốc, vì bị đồng tiền bất chính che mờ mắt đã khiến Hạnh trở thành kẻ mua bán người.
Theo hồ sơ, sau khi trở thành nạn nhân bị bán qua Trung Quốc lấy chồng, Hạnh nhận thấy việc đưa phụ nữ Việt sang Trung Quốc để bán dễ dàng, hưởng lợi cao nên nảy sinh ý định tuyển mộ và bàn bạc với Trần Thị Kim Cúc (mẹ ruột Hạnh) ở quê nhà cùng thực hiện.
Với mức hoa hồng 15 triệu đồng/người sau mỗi phi vụ thành công, Hạnh đã cùng với mẹ ruột bàn bạc và dụ dỗ được 4 nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình cùng đồng bọn chuẩn bị làm thủ tục bàn giao qua Trung Quốc thì đường dây của Công bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ.
Ngoài các vụ án tương tự như trên, đáng báo động còn nổi lên tình trạng mua bán người dưới 16 tuổi để cưỡng bức lao động, ép buộc bán dâm xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Điển hình như vụ Trần Văn Hải và Huỳnh Thị Phương Nga lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bị hại, thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình đã lừa bán, ép buộc bị hại chưa đủ 16 tuổi bán dâm và bóc lột sức lao động. Với những gì đã gây ra, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt Hải 13 năm tù và Nga 8 năm tù về tội Mua bán người dưới 16 tuổi.
Hay như vụ Trần Thị Vân và đồng bọn là Trà Thanh Nhân và Lê Văn Nhân chuyên cò mồi (cò ghe), tuyển mộ người cần việc làm (bạn ghe) sau đó chuyển giao cho chủ ghe để nhận tiền hoa hồng, thực chất những người lao động này không được nhận đồng lương nào mà bị nhóm này chiếm đoạt.
Trong đó, bị hại là người dưới 16 tuổi được tuyển mộ vào đường dây này thông qua các thông tin sai sự thật về công việc, chế độ đãi ngộ nên đã tin tưởng nhóm đối tượng này và đồng ý đi làm theo sự môi giới. Đây là thủ đoạn mới, được núp bóng dưới việc môi giới lao động, mà hoạt động này gần như là tập quán lao động của ngư dân và chủ ghe trong vùng, tức là khi có nhu cầu cần lao động, các chủ ghe sẽ liên hệ với những người môi giới để nhờ tìm bạn ghe giúp.
Theo thống kê của VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2016 đến năm 2020, các cơ quan chức năng trên toàn tỉnh đã phát hiện và khởi tố 13 vụ, với 22 bị can về các tội Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi. Đến nay các vụ án đã được TAND tỉnh đưa ra xét xử, tuyên phạt với những bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội, trong đó có bị cáo bị xử phạt với mức án cao nhất đến 17 năm tù; hiện còn 1 bị can của vụ án xảy ra năm 2015 do mới phục hồi nên còn đang trong giai đoạn điều tra.
Thủ đoạn, phương thức tinh vi
Theo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua công tác đấu tranh và xử lý, tội phạm mua bán người thường dùng một thủ đoạn như: một số đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài.
Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage... hoặc tìm số phụ nữ đã từng ly hôn, từng bị kết án tù để rủ rê, lừa gạt tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ có thu nhập cao.
Sau khi bán phụ nữ, trẻ em cho các đối tượng là chủ nhà hàng bên kia biên giới nhằm ép buộc làm vợ hoặc gái mại dâm để thu lợi bất chính. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong môi giới hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch thăm thân..., bọn tội phạm mua bán người lợi dụng công nghệ thông tin như internet, điện thoại động thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo để tán tỉnh, dụ dỗ, cho xem mặt người bị hại nếu trẻ đẹp thì mua với giá cao.
Đa số các vụ án khi tiến hành xác minh nhận thấy cả bị hại và bị can không phải là người địa phương, không có chổ ở cố định, thường xuyên di chuyển.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số tội phạm mua bán người từng là nạn nhân bị bán ra nước ngoài lấy chồng, sau đó trở về Việt Nam đã tìm cách dụ dỗ phụ nữ khác bán đi nước ngoài, trở thành người tiếp tay hoặc cầm đầu đường dây mua bán người.
Từ thực tiễn các vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến cáo, để không bị “sập bẫy” các đối tượng mua bán người, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không tin và nghe theo người lạ lôi kéo, rủ rê ra nước ngoài.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, các cơ quan chức năng, các Sở, ban, ngành cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán...
Cần lên án mạnh mẽ hành vi mua bán người
Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề cho hầu hết các nạn nhân, trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội, khiến tâm lý của họ sau khi trở về bị hoảng loạt, trầm cảm bởi ám ảnh những gì đã trải qua. Nhiều trường hợp để lại di chứng cả về sức khỏe và tinh thần suốt cuộc đời còn lại của nạn nhân, do đó mua bán người là hành vi độc ác, mất nhân tính, cần phải được cộng đồng xã hội lên án, đồng lòng đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị thích đáng loại tội phạm này.
Hoàng Hưng