Mới đây, hãng tin Bloomberg đã có bảng xếp hạng những nơi đáng sống nhất trong mùa dịch Covid-19. Điều đáng ngạc nhiên là những nước có nền y tế phát triển như Anh, Mỹ lại chịu thiệt hại nặng nề trong mùa dịch và thậm chí không vào nổi top 10. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại gây bất ngờ với khả năng dập dịch nhanh chóng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Bảng xếp hạng của Bloomberg dựa trên chỉ tiêu dập dịch hiệu quả nhưng ít gây ảnh hưởng nhất đến kinh tế xã hội và Việt Nam bất ngờ đứng thứ 10, vượt qua cả Singapore (11), Đức (14), Thái Lan (15), Anh (28), Mỹ (18).
Hãng tin Bloomberg tập trung phân tích từ những ca nhiễm mới, tỷ lệ tử vong, số lượng xét nghiệm cho đến khả năng cung ứng Vaccine nếu có để xếp hạng các nền kinh tế. Bên cạnh đó, Bloomberg còn tính đến sức mạnh của hệ thống y tế, ảnh hưởng của lệnh cách ly đến hoạt động kinh doanh…
Việt Nam có hệ thống y tế kém hơn nhiều nước nhưng vẫn bất ngờ xếp thứ 10 trong số các nền kinh tế đáng sống nhất mùa dịch Covid-19
Những người chiến thắng
Đứng đầu bảng danh sách là New Zealand khi quốc gia này nhanh chóng đóng cửa biên giới từ 26/3/2020 khi dịch Covid-19 mới bắt đầu bùng phát. Bất chấp việc nền kinh tế dựa chủ yếu vào du lịch, New Zealand đã dũng cảm ban hành lệnh cách ly toàn quốc nhằm dập dịch nhanh chóng. Ngoài ra, vị trí địa lý xa các đại lục cũng giúp Nea Zealand nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Bên cạnh cách ly, New Zealand còn thực hiện hàng loạt xét nghiệm, truy dấu vết và tập trung những người nghi nhiễm vào các khu tập trung để theo dõi điều trị.
Kết quả là New Zealand hiện đã gần như vắng bóng dịch Covid-19. Trong vài tháng trở lại đây tuy có trường hợp nhiễm nhưng chủ yếu là được phát hiện ngay khi nhập cảnh từ nước ngoài về. Quốc gia này hiện đã bãi bỏ lệnh cách ly, mở cửa trở lại nền kinh tế với các hoạt động lễ hội. Chính phủ cũng đã đàm phán để phân phối Vaccine từ 2 nhà cung ứng là Pfizer và BioNTech.
Điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát cũng đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng. Việc chính quyền Bắc Kinh thực hiện cách ly triệt để, truy tra dấu vết cùng hàng loạt biện pháp mạnh tay đã giúp Trung Quốc hồi phục nhanh chóng lại sau dịch Covid-19. Mặc dù có thiệt hại về kinh tế do lệnh cách ly nhưng Trung Quốc đã hồi phục nhanh chóng trong khi các nước Phương Tây lại đang phải chật vật chống dịch.
Việt Nam là 1 trong 5 nền kinh tế trên bảng xếp hạng có tăng trưởng kinh tế năm 2020
Riêng Việt Nam, dù có biên giới giáp với Trung Quốc nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc cách ly, theo dõi cũng như vận động toàn dân chống dịch, nền kinh tế này đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình để mở cửa trở lại.
Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế hiếm hoi trên bảng xếp hạng được dự báo là sẽ có tăng trưởng năm 2020, bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập và Bangladesh. Trên bảng xếp hạng, dù có hệ thống y tế (Universal Healthcare Coverage) được đánh giá kém hơn nhiều nước nhưng Việt Nam vẫn vững vàng ở vị trí thứ 10.
Câu hỏi cho Phương Tây
Theo Bloomberg, sự thành công của Việt Nam cũng như việc Anh, Mỹ đang phải vật lộn chống dịch đã làm gia tăng các nghi vấn về sự hiệu quả trong điều hành chống dịch bệnh tại Phương Tây dù họ có hệ thống y tế tốt hơn.
Tuy nhiên theo hãng tin này, phần lớn các nền kinh tế thuộc top 10 đều hưởng lợi từ sự tin tưởng của dân chúng với chính phủ và việc áp dụng lệnh cách ly hầu như không cần ép buộc quá nhiều. Nhờ đó, người dân tại những nền kinh tế này tuân theo các quy định của chính phủ một cách triệt để mà không có những phong trào chống đối như ở Mỹ.
Theo trưởng nhóm Anthony Fauci của Đội phán ứng nhanh chống dịch Covid-19 tại Mỹ, chính sự tin tưởng của người dân vào Chính phủ là một trong những thành công chính giúp các nền kinh tế thuộc top 10 chiến thắng đại dịch chứ không phải các biện pháp ép buộc.
Số ca nhiễm mới ngày càng tăng tại Phương Tây
Đồng quan điểm, Giáo sư Alan Lopez của trường đại học Melbourne nhận định tính kỷ luật tại các nước như Nhật Bản hay Phần Lan giúp giải thích tại sao người dân chấp nhận đeo mặt nạ, giãn cách xã hội, trình báo cơ quan chức năng nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh cũng như tự nguyện xét nghiệm chứ không đặt cái tôi cá nhân và sự tự do lên đầu.
Việc những cường quốc y tế phản ứng chậm trước đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người phải bất ngờ. Thậm chí việc cung ứng những vật dụng thiết yếu như khẩu trang y tế, đồ bảo hộ… cũng tạo nên cuộc khủng hoảng trong dân chúng.
Tại Mỹ, thay vì cố gắng kêu gọi người dân chống dịch bằng đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, các nhà hoạch định chính sách lại hướng đến việc phát triển Vaccine như một giải pháp chữa bệnh mà không cần cách ly, qua đó bảo toàn nền kinh tế.
Thế nhưng, dù đã đổ 18 tỷ USD để thúc đẩy các hãng dược phát triển Vaccine nhưng số người chết ngày một tăng cùng sự rối loạn xã hội vẫn đang khiến nền kinh tế Mỹ lao đao. Dẫu vậy, động thái cố gắng phát triển Vaccine cũng giúp Mỹ leo lên vị trí 18 trong bảng xếp hạng.
Số liệu của Trung tâm sức khỏe Duke Global Health Innovation Center, hiện Mỹ là nước đang đặt mua nhiều Vaccine nhất thế giới với hơn 2,6 tỷ liều. Tuy vậy thách thức hiện nay là liệu nước này sẽ phân phối Vaccine đến tay người dân như thế nào.
Rõ ràng, những cường quốc giàu có và phát triển đang đi đầu trong việc tạo Vaccine chống dịch Covid-19 và họ sẽ là người hưởng lợi trước so với các nền kinh tế nhỏ. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc không cách ly chặt chẽ và lệ thuộc quá nhiều vào Vaccine là không hề nhỏ.
Hiện những địa điểm du lịch của Phương Tây như London, New York hay Paris đang trở thành tâm điểm dịch Covid-19, trong khi các quốc gia du lịch như Việt Nam, Thái Lan hay Singapore lại hồi phục nhanh chóng, trở thành điểm đến an toàn cho du khách.
Ngoài ra, việc các nước như Bangladesh hay Pakistan nằm trong nửa trên của bảng xếp hạng cũng không khiến nhiều người bất ngờ khi dân số của các nền kinh tế này còn trẻ và khỏe. Dẫu vậy sự yếu kém của hệ thống y tế và chất lượng sống tồi khiến họ không thể leo lên được top 10.
Trong số 53 nền kinh tế được Bloomberg xếp hạng, Bỉ là nước có nhiều người thiệt mạng vì dịch Covid-19 nhất khi họ tính cả những y tá thiệt mạng tại gia trong đợt cao điểm dịch bùng phát bất chấp việc liệu các ca tử vong này có vì nhiễm Sars-CoV-2 hay không.
Đứng cuối bảng xếp hạng là những nước Peru (51), Argentine (52)và Mexico (53).
AB
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp