Theo báo cáo thường niên của trang InterNations, TP.HCM được xếp hạng là thành phố tốt thứ 3 tại khu vực châu Á đối với người nước ngoài, sau Singapore và Kuala Lumpur, bỏ xa nhiều đô thị lớn khác như Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải.
Xét trên toàn cầu, TP.HCM đứng thứ 19/66 thành phố được xếp hạng, trong khi Singapore xếp thứ 5, Kuala Lumpur thứ 8, Thượng Hải (21), Bangkok (30), Tokyo (53) và Bắc Kinh (55). Đáng chú ý là Hồng Kông - từng được xếp hạng là một trong những đô thị đáng sống hàng đầu châu Á - giờ đây đứng thứ 57, chỉ cao hơn Seoul (vị trí 64).
Bên cạnh Singapore - thường xuyên xuất hiện trong các top đô thị đáng sống, Kuala Lumpur và TP.HCM là hai thành phố Đông Nam Á ngày càng được người nước ngoài yêu thích.
TP.HCM được đánh giá cao ở sự thân thiện của người bản địa với 70% người được hỏi cho biết họ dễ dàng kết bạn và hòa nhập với cuộc sống tại đây chỉ trong thời gian ngắn. TP.HCM cũng nằm trong top 10 thành phố được đánh giá là có chi phí sinh hoạt rẻ nhất toàn cầu. Bên cạnh đó, hơn 50% người nước ngoài tham gia khảo sát cho biết họ hài lòng với chất lượng công việc tại TP.HCM.
Kuala Lumpur được đánh giá là thành phố dễ định cư nhất với 70% người được hỏi nhận xét giá nhà tại đây phải chăng. Hơn 70% cho rằng thành phố này có chi phí sinh hoạt chung rẻ, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 46%.
Bangkok, đứng thứ 5 tại châu Á và 30 trên toàn cầu, bị đánh giá là đô thị có môi trường tồi tệ nhất thế giới. Dù vậy, hầu hết người nước ngoài tại đây cảm thấy hài lòng với chi phí sinh hoạt.
Người nước ngoài tại Thượng Hải và Bắc Kinh hài lòng với tình hình tài chính. Trong khi đó, người nước ngoài ở Tokyo đánh giá đây là thành phố an toàn nhất.
Tụt hạng mạnh nhất là Hồng Kông. 6 năm trước, Hồng Kông từng có mặt trong top 10 đô thị tốt nhất toàn cầu. Tuy nhiên, năm ngoái, thành phố này tụt xuống vị trí 52 (trên tổng số 82 thành phố) do tình trạng bất ổn chính trị sau hàng loạt cuộc biểu tình chống chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài tại Hồng Kông cũng phàn nàn về chi phí sinh hoạt và nhà tại thành phố này liên tục tăng.
Trong khi đó, người nước ngoài ở Seoul - thành phố có xếp hạng thấp hơn Hồng Kông - cho biết họ khó kết bạn và gặp khó khăn trông việc hòa nhập vào văn hóa bản địa. Dù vậy, thủ đô Hàn Quốc được đánh giá cao ở chỉ số chất lượng sống đô thị với hệ thống giao thông và y tế tiên tiến.
Xếp hạng của InterNations được thực hiện dựa trên khảo sát với 4 nhóm tiêu chí chính, bao gồm chất lượng sống đô thị (giải trí & khí hậu, giao thông, an toàn & chính trị, y tế & môi trường ); khả năng định cư (sự thân thiện của người bản địa, cảm giác được chào đón, bạn bè và giao lưu xã hội, ngôn ngữ bản địa); chất lượng công việc (công việc & sự nghiệp, mức độ đảm bảo, cân bằng cuộc sống - công việc); tài chính và nhà ở (tài chính, nhà ở, chi phí sinh hoạt).
Ngọc Trang
VnEconomy