Bầu không khí căng thẳng đang bao trùm Trung Đông trong bối cảnh quá trình chuyển giao quyền lực bắt đầu ở Mỹ. Khả năng chính quyền ông Joe Biden sẽ đảo ngược chiến dịch gây sức ép tối đa lên Iran của đương kim Tổng thống Donald Trump, đồng thời tìm cách trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump (giữa) trong cuộc họp báo sau vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani hồi tháng 1. Ảnh: REUTERS
Theo tờ The New York Times, trong một số cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia gần đây, ông Trump đã đề nghị đánh giá các phương án tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran. Tehran từng lên tiếng cảnh báo sẽ phản ứng đáp trả nếu bị Mỹ tấn công trước. Dù vậy, trang tin Middle East Eye nhận định Iran vẫn lo ngại ông Trump có thể đẩy cả Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện trước khi rời nhiệm sở.
Iran - Mỹ căng thẳng cuối nhiệm kỳ ông Trump
Tờ The Washington Post cho hay hiện quan hệ Iran - Mỹ đang đứng rất gần miệng hố chiến tranh khi cả hai chỉ trong vài tháng qua đã liên tục đưa ra những phát ngôn hoặc hành động rất đáng lo ngại. Ngày 21-11, không quân Mỹ tuyên bố đã điều lực lượng tác chiến máy bay ném bom B-52 từ căn cứ Minot ở bang North Dakota (Mỹ) tới Trung Đông “nhằm ngăn chặn các hành vi hung hăng và tái đảm bảo an ninh cho các đối tác và đồng minh của Mỹ”. Hải quân Mỹ được cho là đang lên kế hoạch chuyển quân quy mô lớn tương tự trong tuần này.
Mỹ cấm vận công ty Nga, Trung Quốc liên quan tên lửa Iran Hãng tin Bloomberg ngày 26-11 đưa tin Bộ Tài chính Mỹ vừa quyết định cấm vận năm công ty của Trung Quốc và Nga bị cáo buộc liên quan đến chương trình tên lửa của Iran. Các công ty nằm trong lệnh cấm bao gồm Chengdu Best New Materials và Zibo Elim của Trung Quốc, Nilco Group, Elecon và Aviazapchast của Nga. Đặc phái viên về các vấn đề Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Elliott Abrams cho hay Bộ Tài chính Mỹ dự định sẽ còn công bố thêm các lệnh cấm vận đối với Iran trong vài tuần tới, liên quan đến các vấn đề vũ khí, vũ khí hủy diệt hàng loạt và vi phạm quyền con người. “Chính sách của chúng tôi vẫn sẽ là như thế sau ngày 20-1” - ông Abrams khẳng định, ám chỉ đến thời điểm ông Biden nhậm chức. Trước diễn biến mới của Washington, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov coi đây là một động thái phân biệt đối xử của Mỹ nhằm làm suy giảm tiềm lực kinh tế của ba doanh nghiệp Nga. Ông Antonov cho rằng Mỹ vẫn đang sử dụng các biện pháp trừng phạt làm công cụ chính để thực hiện chính sách đối ngoại. Đại sứ Nga khẳng định những hành động như vậy là “bất hợp pháp, vì không quốc gia nào có quyền hạn chế hợp tác thương mại và đầu tư giữa Nga và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế”. |
Trong khi đó, về phía Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng thể hiện thái độ cứng rắn, quyết không nhường bước cho đến khi ông Biden chính thức nhậm chức và bước vào đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc đã báo động mạnh năng lực hạt nhân Iran trong một loạt báo cáo đầu tháng 11, theo đó kho uranium làm giàu của Iran đã lớn gấp 12 lần mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân. IAEA cũng cho hay Iran đã đầu tư thêm các máy ly tâm hiện đại hơn để tăng tốc quá trình làm giàu uranium.
Không loại trừ kịch bản chiến tranh
Theo các nhà phân tích, kịch bản Mỹ tấn công phủ đầu Iran về cơ bản ít có khả năng xảy ra nhưng không thể hoàn toàn loại trừ, đặc biệt là đối với một người khó đoán như ông Trump. Giám đốc tổ chức Hội đồng chính sách về người Mỹ gốc Iran (NIAC) Ryan Costello chỉ ra dấu hiệu dễ nhận ra nhất là gần đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cánh tay đắc lực của ông Trump, đã có hàng loạt chuyến thăm tới các nhà lãnh đạo có quan điểm phản đối Iran, bao gồm thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Một yếu tố thúc đẩy ông Trump đi tới quyết định tấn công Iran trong những tuần tới là mong muốn để lại một di sản với tư cách là một tổng thống từng cứng rắn trừng phạt Iran, ngăn cản chính quyền ông Biden khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân và tặng quà “chia tay lần cuối” cho đồng minh Israel.
Một nguồn tin nội bộ Nhà Trắng tiết lộ với The New York Times rằng các cố vấn của ông Trump, trong đó có Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đã nhiều lần can ngăn ý định tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran của ông Trump. Tuy nhiên, việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cùng các quan chức hàng đầu khác của Lầu Năm Góc đầu tháng này đã làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể đang chuẩn bị cho điều gì đó “bất thường”, trong đó có cả khả năng tấn công Iran hoặc thúc đẩy quân đội can thiệp vào các vấn đề chính trị ở Mỹ.
Thỏa thuận hạt nhân Iran không phải là một thỏa thuận hoàn hảo nhưng nó giúp kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân Iran mà không cần phải tốn một viên đạn nào. Việc Tổng thống Trump loại bỏ thỏa thuận đó chỉ càng tạo cơ hội cho những thành phần có quan điểm cứng rắn ở Iran tỏ ra tiêu cực với Mỹ. Phó Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden ở bang Iowa SAMI SCHEETZ |
The New York Times còn bình luận thêm rằng các tổng thống sắp mãn nhiệm thường cố gắng kiềm chế khơi mào các cuộc xung đột có thể kéo dài tới cả sau khi họ kết thúc nhiệm kỳ, song ông Trump vốn chưa bao giờ là một chính trị gia truyền thống. Cho dù thất cử ông Trump sẽ vẫn nắm trọn quyền tổng thống cho đến khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1 năm sau. Điều đó bao gồm cả vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Mỹ. Năm 2019, ông Trump từng ra lệnh tấn công Iran nhưng đã hủy bỏ quyết định vào phút chót và đến đầu năm 2020 thì ra lệnh tấn công sát hại tướng Qassem Soleimani của Iran.
Do đó có thể thấy giải quyết tình trạng đối đầu Iran sẽ là chuyện khó với quan chức hoạch định chính sách an ninh quốc gia của Mỹ thuộc đội ngũ ông Biden. Cho tới khi ông nhậm chức, mối nguy hiểm về một cuộc tấn công của Mỹ hay của Iran vẫn sẽ còn hiện hữu, bởi dù khả năng xảy ra thấp nhưng với một người khó đoán như ông Trump thì không thể nói chắc chuyện gì. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc bắt đầu một cuộc chiến vô cớ chưa bao giờ là một sự lựa chọn thông minh, đặc biệt khi nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc trong quá trình chuyển giao quyền lực chính trị.•