Chị Lê Quỳnh Mai (thứ hai từ trái sang) trong một hoạt động giao lưu trí thức trẻ - Ảnh: MAI LÊ
"Nụ hồng" 8X trên đã trải lòng nhân dịp vào TP.HCM tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2020 (do Trung ương Đoàn tổ chức).
* Chị giảng dạy trong một môi trường đầy kỷ luật, số lượng nam giới áp đảo... sẽ có "điểm nhấn" gì?
- Học viện An ninh có tỉ lệ nữ sinh rất ít, mỗi lớp học chỉ có từ 2-5 bạn nữ. Dẫu vậy, trường có những "điểm nhấn" rất ý nghĩa như trước khi học các môn cơ sở, các bạn sẽ có khoảng 4 tháng rèn luyện kỷ luật, tinh thần đồng đội. Việc sinh hoạt tập thể này giúp các bạn gắn kết với nhau hơn, nồng ấm tình đồng chí.
Tuy nhiên, điều tôi tâm tư là việc mở rộng giao lưu nghiên cứu khoa học giữa sinh viên của trường với các khối trường khác thường có hạn chế nhất định. Nhưng tôi hi vọng với sức trẻ, sự nhanh nhạy, cấp tiến và sự phát triển của công nghệ thì việc kết nối trên sẽ ngày càng dễ dàng hơn.
* Có hay không một trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình giảng dạy của chị?
- Trong 8 năm nghiên cứu và giảng dạy tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm đẹp nhất là những lần được cùng sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học để rồi thấy các em thay đổi từng ngày. Chẳng hạn các bạn chủ động đến gặp tôi để trao đổi về đề tài và nhờ tôi định hướng nghiên cứu, lên đề cương, hướng dẫn tìm kiếm tài liệu...
Sau khi nghe tôi phân tích thì một số bạn than khó, cho là "nhiệm vụ bất khả thi". Nhưng khi các bạn thật sự bắt tay vào làm và ra báo cáo kết quả khoa học gần cả trăm trang thì lúc đó các bạn mới nở nụ cười, nhận ra được giá trị của niềm tin vào năng lực bản thân, của sự tập trung tối đa, của niềm tin "không gì là không thể".
* Vừa giảng dạy, vừa làm nghiên cứu sinh và có gia đình nhỏ, chị đã sắp xếp thời gian như thế nào?
- Tôi làm nghiên cứu sinh theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và đào tạo, thời gian rút ngắn từ 4 năm xuống còn 3 năm nên gặp áp lực tiến độ hơn những khóa trước. Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh cũng cần đảm bảo các đầu việc như viết bài báo đăng tạp chí uy tín (Quỳnh Mai đã công bố sáu bài báo khoa học), hay tham gia hội thảo quốc tế có phản biện...
Tôi có thói quen "đưa ra giới hạn thời gian hoàn thành" và khi có kế hoạch, ý tưởng thì tập trung toàn bộ sức lực để làm. Dĩ nhiên bên cạnh đó tôi cũng nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn lao từ người bạn đời và gia đình nội ngoại hai bên, lãnh đạo, đồng nghiệp tại cơ quan đang công tác.
* Được biết năm nay là lần thứ hai chị tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Chị kỳ vọng gì ở các hoạt động như diễn đàn?
- Pháp luật về sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng để bảo vệ quyền của tác giả các tác phẩm hay các tác giả của sáng chế, tác giả của giống cây trồng. Việc bảo vệ quyền không dừng lại ở việc ghi nhận, cấp văn bằng bảo hộ mà còn là công cụ đưa ra các biện pháp, phương thức bảo vệ quyền trước những hành vi xâm phạm của các chủ thể khác trong xã hội.
Tôi kỳ vọng việc tham gia diễn đàn sẽ góp phần giúp các trí thức trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiểu pháp luật, hiểu quy trình đăng ký bảo hộ quyền để lựa chọn phương thức bảo hộ phù hợp cho những dự án, nghiên cứu của họ. Song song đó, tôi cũng hi vọng các đề xuất về những chủ đề như sở hữu trí tuệ sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là những đề xuất liên quan đến việc đưa môn học pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp được giảng dạy trong các trường có chuyên ngành về kỹ thuật để giúp các bạn sinh viên có kiến thức bảo vệ sự sáng tạo của mình, qua đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật ứng dụng bền vững.
* Mọi người hay hình dung nữ giới trong môi trường quân đội thường có khuynh hướng trở nên khô cứng, chẳng hạn sẽ không cần hoa, quà, những lời nồng nàn cho các ngày đặc biệt...
- Có lẽ đó là do họ chưa có dịp tiếp xúc với chúng tôi. Phụ nữ nào, là ai, ở đâu... cũng thích được khen, đặc biệt là được khen xinh, khen trẻ (cười). Nhưng khi mặc bộ quân phục trên người, chúng tôi có khuynh hướng tự ý thức điều chỉnh chuẩn mực trong đi lại, hành xử theo đúng điều lệnh, quy định... nên đôi khi tạo cho người ngoài ngành cảm giác rằng chúng tôi khô cứng. Khi không mặc quân phục, chúng tôi vẫn thích mặc thật đẹp và nữ tính để tạo dáng chụp ảnh selfie, chụp bên hoa...
TTO - Đại úy Chu Thanh Hương trở thành gương mặt trẻ thu hút sự chú ý tại lễ trao giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và binh yên cuộc sống' chiều 28-10 tại Hà Nội khi lần thứ 2 giành giải A của cuộc thi này.
Xem thêm: mth.18964158082110202-coh-aohk-em-53-iout-yu-iad-un/nv.ertiout