Bà Svetlana Tikhanovskaya, thủ lĩnh đối lập Belarus nói rằng nếu chính phủ mới lên nắm quyền thì tất cả thỏa thuận giữa Belarus và Nga sẽ được xem xét lại, theo trang tin UAWire.
Bà Tikhanovskaya ra tuyên bố trên trong bối cảnh Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ từ chức nếu một khi hiến pháp mới được thông qua.
Chính phủ mới của Belarus sẽ xem xét lại tất cả thỏa thuận với Nga
“Bất kể điều gì ông Alexander Lukashenko (Tổng thống Belarus) đồng ý thì ông ấy cũng đã mất đi sự ủng hộ của người dân Belarus. Điều này có nghĩa là tất cả thỏa thuận và hợp đồng (của chính phủ ông Lukashenko) sẽ bị chính phủ mới xem xét lại và hủy bỏ” – bà Tikhanovskaya viết trên kênh Telegram hôm 26-11.
Thủ lĩnh đối lập Belarus - bà Svetlana Tikhanovskaya. Ảnh: UAWire
Bà Tikhanovskaya nói rằng bà ủng hộ quan hệ hữu nghị với Nga, nhấn mạnh chủ quyền của Belarus không thể “đem ra giao dịch”.
Hôm 26-11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đến thủ đô Minsk của Belarus. Tại cuộc gặp với ông Lavrov, Tổng thống Lukashenko cho hay ông thấy không cần thiết phải thiết lập lại quan hệ giữa hai nước.
“Đối với quan hệ Belarus – Nga, có lẽ chúng ta không nên bàn về một số kiểu thiết lập lại quan hệ mà thay vào đó là về việc tăng cường và thắt chặt mối quan hệ của chúng ta” – ông Lukashenko nói.
Theo ông Lukashenko, Belarus muốn có không chỉ mối quan hệ láng giềng tốt với Nga mà còn là mối quan hệ anh em rất gần gũi. Ông Lukashenko tin rằng Moscow cũng muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Minsk.
Sau cuộc gặp với ông Lukashenko, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết hai nước cam kết thực hiện tất cả thỏa thuận đã đạt được ở cấp độ cao nhất.
Ông Lukashenko sẽ từ chức nếu hiến pháp mới được thông qua
Trong một tuyên bố đầy bất ngờ hôm 27-11, Tổng thống Belarus Lukashenko nói rằng ông sẽ không làm tổng thống theo hiến pháp mới, theo đài RT.
“Tôi không đưa ra bất kỳ hiến pháp nào vì bản thân mình. Với hiến pháp mới, tôi sẽ không làm việc với các bạn với tư cách là tổng thống. Ngay cả khi tôi biết hiến pháp mới sẽ không như những gì tôi muốn. Tại sao ư? Vì người dân Belarus phải vượt qua những gì họ phải vượt qua” – ông Lukashenko nói trong cuộc họp với đội ngũ nhân viên một bệnh viện điều trị COVID-19 ở Minsk.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu tại diễn đàn của Liên minh Phụ nữ ở Minsk hồi tháng 9. Ảnh: REUTERS
Ông Lukashenko nói rằng hiến pháp hiện tại cần cải cách vì quá nhiều quyền lực tập trung vào tay tổng thống và sẽ “rắc rối” nếu ông giao lại quyền lực ngay bây giờ, theo hãng tin Reuters.
Ông Lukashenko trước đó tiết lộ rằng hiến pháp mới của Belarus hiện trong bản dự thảo thứ ba và sẽ được đệ trình để thảo luận công khai vào đầu năm 2021. Hai bản dự thảo đầu tiên “quá mềm mỏng”, ông Lukashenko nói.
“Chúng tôi sẽ thông qua hiến pháp mới. Chúng tôi sẽ tiến về phía trước. Điều này sẽ được thực hiện mà không có bất kỳ biến động mang tính phá hoại nào. Người dân Belarus không cần chúng” – ông Lukashenko nói cách đây ba tuần.
Hồi tháng 8, ông Lukashenko thừa nhận rằng Belarus có một “hệ thống có phần độc tài”, đồng thời thông báo ý định của mình về việc đưa đất nước khỏi sự phụ thuộc của một người đứng đầu nhà nước nhằm “đảm bảo hệ thống không bị một cá nhân nào ràng buộc”.
Thời điểm đó, nhiều người cho rằng đề nghị của ông chỉ là chiến thuật nhằm dập tắt biểu tình. Ông Lukashenko nắm giữ chiếc ghế Tổng thống Belarus từ năm 1994 tới nay.
Khi trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Lukashenko cũng tái khẳng định cam kết của mình về việc cải cách. Đáp lại, ông Putin gọi điều này là “hợp lý, kịp thời và thích hợp”.
Biểu tình tiếp tục diễn ra ở Belarus kể từ tháng 8 xoay quanh kết quả bầu cử, trong đó ông Lukashenko đánh bại ứng viên phe đối lập Tikhanovskaya và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu. Người biểu tình cho rằng kết quả bầu cử bị gian lận.
Liên minh châu Âu (EU) đã áp hai vòng trừng phạt nhằm vào các quan chức Belarus. Danh sách đen bao gồm 55 đại diện của giới lãnh đạo Belarus, trong đó có Tổng thống Lukashenko. Những người này bị cấm nhập cảnh EU và các tài khoản ngân hàng của họ tại châu Âu sẽ bị đóng băng.
Ukraine cùng với EU và Mỹ không công nhận kết quả bầu cử ở Belarus là trung thực và phản ánh nguyện vọng thực sự của người dân nước này.