Giáng sinh năm 2018, cô bé Jessie Carbone đã được tặng một món quà thú vị: Một chú chuột hamster nhồi bông biết nói từ mẹ của mình. Loại đồ chơi này có thể "nghe" những gì bạn nói và nhại lại với chất giọng the thé. Carbone không phải là người duy nhất được tặng chú hamster trên vào Giáng sinh năm đó. Nó hiện được coi là một sản phẩm viral trên các trang thương mại điện tử.
Trên thực tế, sản phẩm này xuất xứ từ Trung Quốc và nếu không có một nhóm dropshipper, có lẽ nó đã không phổ biến đến vậy tại Mỹ và nhiều nước phương Tây khác.
Dropshipper kiếm tiền bằng các sản phẩm đến từ các trang bán buôn ở Trung Quốc như Alibaba. Họ đóng vai trò như người trung gian kết nối người mua hàng với nhà cung cấp mà không cần lưu trữ hàng trong kho và vận chuyển sản phẩm cho khách hàng. Mục tiêu của họ là trở thành người đầu tiên giới thiệu các sản phẩm bán lẻ mới sang thị trường ngoài Trung Quốc với hy vọng chúng sẽ viral.
Steve và Evan Tan, hai dropshipper đến từ Singapore là những người đầu tiên bán sản phẩm chuột hamster biết nói ở thị trường nước ngoài. Họ bắt đầu kinh doanh mặt hàng này từ tháng 7/2017 và đã thu về hơn 1 triệu USD, con số ấn tượng đối với một sản phẩm đồ chơi từ Trung Quốc.
Sản phẩm hamster biết nói phong cách Giáng sinh.
Dù hamster biết nói không còn xa lạ với Steve và Evan cũng như trẻ em Trung Quốc nhưng nó vẫn chưa được biết đến rộng rãi đối với nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc là nơi sản xuất ra rất nhiều sản phẩm bán lẻ mới, chính vì vậy, hàng loạt nhà sản xuất và nhà cung cấp đã đặt trụ sở tại đó để thuận tiện cho việc kinh doanh. Cũng nhờ đó, nó đã trở thành một mỏ vàng cho các dropshipper.
Anh em nhà Tan cho biết bạn không cần phải sống ở châu Á để trở thành một dropshipper thành công bởi Internet sẽ giúp ích rất nhiều. Tuy nhiên, họ vẫn có những lợi thế nhất định như trao đổi với nhà cung cấp thuận tiện hơn vì cùng múi giờ và giảm thiểu khả năng bị lừa đảo do bất đồng ngôn ngữ. Tuy thông thạo tiếng Trung và tiếng Anh nhưng Steve và Evan vẫn thuê một nhóm thu mua tại Trung Quốc để thay mặt họ xử lý vấn đề phát sinh với nhà cung cấp.
Công ty của họ - Super Tan Bros hiện có khoảng 400 nhân viên ở nhiều quốc gia. Những người này làm nhiệm vụ xác định sản phẩm viral tiềm năng, giao dịch với nhà cung cấp, tạo video quảng cáo được thiết kế để thu hút sự chú ý của người mua sắm ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Điều gì đã khiến hamster biết nói trở nên phổ biến trên toàn cầu dù không phải là sản phẩm sáng tạo nhất trên thị trường? Theo Steve, đơn giản chỉ là vì "nó mang lại niềm vui cho mọi người".
Nhiều người còn dùng hamster biết nói để thực hiện những trò chơi khăm và đăng lên mạng xã hội. Như vậy, sản phẩm đã được quảng cáo miễn phí và càng trở nên phổ biến hơn.
Giá cả cũng là một yếu tố quan trọng. Với mức giá dao động từ 20 – 30 USD, Steve cho rằng nó khá cao so với một số nước châu Á nhưng tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, đây là con số có thể chấp nhận được đối với một sản phẩm thú vị như vậy.
Để tìm sản phẩm tiềm năng, nhóm của anh em nhà Tan tiến hành nghiên cứu xem mặt hàng nào đang là xu hướng tại Trung Quốc. Một trong những nguồn tham khảo lớn nhất của họ là phiên bản TikTok của Trung Quốc, Douyin.
Steve nói: "TikTok của Trung Quốc khá khác biệt so với TikTok quốc tế vì nó có sàn thương mại điện tử được tích hợp sẵn trong ứng dụng. Trên Douyin, nó hoạt động gần như mạng mua sắm tại nhà, với các KOL bán sản phẩm qua livestream".
Khi xác định được sản phẩm, anh em Tan nhanh chóng hành động. Đầu tiên, họ tạo quảng cáo dưới dạng video ngắn và dịch thông tin sản phẩm sang tiếng Anh. Sau đó, họ mua quảng cáo cho sản phẩm của mình trên Facebook và Instagram. Các quốc gia nói tiếng Anh mục tiêu của họ bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand. Tiếp đến là thị trường EU.
Evan Tan làm việc trong một chuyến đi công tác.
Mặc dù vậy, khi một sản phẩm viral tiềm năng được phát hiện và kinh doanh, thị trường gần như bão hòa ngay lập tức vì sẽ có rất nhiều người bắt đầu bán mặt hàng đó.
Evan chia sẻ: "Mọi người sẽ bán đến thời điểm khó có thể kiếm tiền từ sản phẩm. Sau đó, chúng tôi sẽ chuyển sang sản phẩm tiếp theo. Khi thương mại điện tử càng phổ biến, vòng đời của một sản phẩm đã bị thu hẹp đáng kể. Nếu có thể bán một thứ trong 30 ngày liên tục, điều đó đã được coi là tuyệt vời".
Nếu may mắn là người đầu tiên bán một sản phẩm viral, lợi nhuận thu về có thể rất lớn. Khi quảng cáo nhận được hàng chục triệu lượt xem, các dropshipper có thể bán được từ 5.000 đến 10.000 sản phẩm mỗi ngày.
Theo Steve, thông thường, dropshipper có thể kiếm được từ 1.000 – 2.000 USD/ngày và nếu anh ta tìm được sản phẩm cực kỳ "hot", doanh thu có khả năng lên tới 50.000 – 100.000 USD/ngày.
Có thể nói, việc này giống như đào trúng mỏ vàng. Cũng vì vậy mà ngày càng nhiều người trở thành dropshipper với hi vọng kiếm được 100.000 USD chỉ sau một đêm.
Mộc Tiên
Theo Entrepreneur