Phối cảnh điện Kiến Trung sau khi phục hồi - Nguồn: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ
Tham gia cuộc tọa đàm có đơn vị thiết kế - thi công dự án là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung (IBST/C) và nhóm phản biện do TS Trần Đức Anh Sơn cùng bốn thành viên nhóm Tản Mạn Kiến Trúc, tác giả bài "Điện Kiến Trung bị phục hồi sai lệch?" đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 2-10-2020.
KTS Nguyễn Trần Trọng Nghĩa, đại diện nhóm phản biện, đã trình bày những điểm của hồ sơ thiết kế phục hồi điện Kiến Trung chưa đúng với sử liệu và hình ảnh công trình nguyên gốc.
TS Trần Đức Anh Sơn cũng nêu ý kiến về quan điểm bảo tồn di tích và những vấn đề xung quanh tính nguyên trạng của di tích khi tiến hành trùng tu, gắn liền với di tích điện Kiến Trung.
Quang cảnh cuộc tọa đàm sáng 28-11-2020 - Ảnh: MINH TỰ
KTS Nguyễn Minh Khôi, đại diện nhóm thiết kế, đã trình bày các cơ sở tư liệu để xây dựng hồ sơ thiết kế và trao đổi lại về những ý kiến phản biện. Theo ông Khôi, bản thiết kế này còn dựa trên cơ sở quan trọng là yếu tố gốc của công trình vẫn còn sót lại trên hiện trường.
Chẳng hạn, về hai bức tường đông và tây mà nhóm phản biện cho là không có cơ sở, trên hiện trường vẫn còn nền móng và những trụ lan can.
Tuy nhiên sau khi nghe trao đổi của nhóm phản biện, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, giám đốc IBST/C, đồng ý sẽ tiếp thu chỉnh sửa về hai bức tường đông - tây và cân nhắc về bức tường phía sau, nhưng sẽ giữ "yếu tố gốc" là trụ lan can.
Bức không ảnh chụp phía sau Tử Cấm Thành thời Khải Định (thập niên 1920) - Ảnh thu thập bởi nhóm Tản mạn Kiến trúc
Cận cảnh điện Kiến Trung nhìn từ phía sau - Ảnh thu thập bởi nhóm Tản mạn Kiến trúc
KTS Nguyễn Trần Trọng Nghĩa (nhóm phản biện) cho rằng cái gọi "yếu tố gốc" mà bên IBST/C muốn giữ lại chưa hẳn là "yếu tố gốc" của công trình ban đầu; cần xem lại để quyết định giữ gìn "yếu tố gốc" này hay không?
Sau khi lắng nghe ý kiến của hai phía, ông Võ Lê Nhật, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, đồng ý điều chỉnh thiết kế mà cụ thể là không xây dựng hai bức tường đông - tây như đề nghị của nhóm phản biện.
Trong quá trình trùng tu có xuất hiện ảnh tư liệu mới, nên, theo ông Nhật, sẽ tiếp thu và xem xét để lựa chọn cho phù hợp.
Về "yếu tố gốc" là trụ lan can còn sót lại trên hiện trường, sẽ tiếp tục nghiên cứu và sớm quyết định chọn theo phương án của nhóm phản biện hay của đơn vị thiết kế.
Tương tự, sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề đã được đặt ra: có hay không cầu thang thứ hai trong nội điện, mái lợp bằng ngói phẳng hay ngói liệt, nội thất của công trình...
Ông Nhật kết luận chọn phương án trùng tu theo hiện trạng thời Khải Định là chủ yếu, không ưu tiên tuân thủ hiện trạng thời Bảo Đại, trừ một số trường hợp bất khả kháng.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc công trình đã thi công gần hai năm, liệu có thể điều chỉnh được không, ông Nhật nói hiện tại dự án chỉ mới thi công phần thô, nên vẫn điều chỉnh được, không cần thiết phải tạm dừng thi công, ông Nhật nói dự án này được nhà nước cho phép vừa thi công vừa thiết kế, nên việc điều chỉnh này là phù hợp.
Mái điện lợp bằng ngói phẳng hay ngói liệt vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu - Ảnh tư liệu của Phân viên Khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung
Trước đó, báo Tuổi Trẻ ngày 2-10-2020 đã đăng bài phản biện của nhóm Tản mạn Kiến trúc, cho rằng công trình phục hồi điện Kiến Trung đã có một số điểm sai lệch với nguyên gốc.
Tiếp đó, báo đã đăng nội dung trả lời của lãnh đạo đơn vị thiết kế - thi công dự án và chủ dự án đã trả lời. Xin bạn đọc xem hai bài đã đăng này để hiểu cụ thể vấn đề.
Trong nội dung trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Võ Lê Nhật, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết sẽ mời nhóm phản biện về Huế để cùng thảo luận với đơn vị thiết kế công trình, nhằm mục đích sau cùng là chọn được phương án tối ưu nhất cho việc phục hồi điện Kiến Trung. Cuộc họp ngày 28-11 này chính là thực hiện điều đó.
Điện Kiến Trung đã bị sụp đổ hoàn toàn trong chiến tranh. Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi động dự án phục hồi điện Kiến Trung, với sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Huế và sự tham gia của Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng Miền Trung.
Ngày 7-9-2018, chủ dự án đã trưng bày công khai ảnh tư liệu, bản vẽ kỹ thuật và những thông tin về dự án trùng tu điện Kiến Trung tại khu vực sân trước nền điện.
Ngày 16-2-2019, dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung" được khởi công, với tổng vốn đầu tư 123,78 tỉ đồng, dự kiến hoàn tất vào tháng 8-2023. Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng Miền Trung là đơn vị thiết kế - thi công dự án.
TTO - Đối chiếu các hình ảnh, có thể thấy bên thiết kế đã chọn hiện trạng kiến trúc ngoại thất điện Kiến Trung thời Bảo Đại để phục hồi, nhưng nội điện, trang trí nội thất lại mô phỏng theo hiện trạng thời Khải Định.
Xem thêm: mth.85952846182110202-gnurt-neik-neid-auc-cum-gnah-os-tom-hnihc-ueid-y-gnod/nv.ertiout